



Lời tòa soạn: Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, ngay trong tháng 12, các bộ ngành phải hoàn thành xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Mục tiêu phấn đấu là các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ hoàn thành trong quý I/2025. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được triển khai với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để bộ máy mới tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt đông ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân…
Xung quanh chủ đề này, Đài Hà Nội tổ chức tọa đàm chủ đề “Tinh gọn bộ máy: Vừa chạy, vừa xếp hàng”, với sự tham gia của của TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương; TS. Hoàng Mạnh Đoàn, giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.



Trung ương chỉ cần giảm một bộ, ở dưới địa phương sẽ giảm được 63 sở. Nếu Trung ương giảm 5 bộ, tương đương địa phương giảm được hơn 300 sở. Mỗi huyện trong tỉnh lại giảm từng đó số phòng, theo cấp số nhân sẽ lên đến hàng nghìn phòng. Đó là những con số có thể định lượng ban đầu về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra trong cuộc tọa đàm “Tinh gọn bộ máy: Vừa chạy, vừa xếp hàng” do Đài Hà Nội tổ chức.

Thưa ba vị khách mời, cả hệ thống chính trị đang chuyển động để thần tốc triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tổ chức. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, việc tinh gọn bộ máy được triển khai quyết liệt, khẩn trương theo tinh thần ”vừa chạy vừa xếp hàng”. Vì sao người đứng đầu Đảng phải đặt ra yêu cầu này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi hiểu vấn đề này trên mấy khía cạnh. Thứ nhất, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc rất lớn với khối lượng công việc rất nhiều. Trong khi đó, thời gian của chúng ta lại không thể chậm trễ được nữa. Vì vậy, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện.
“Vừa chạy, vừa xếp hàng” tức là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa phải xem xét và kịp thời điều chỉnh để phù hợp thực tiễn. Tức là khẩn trương, nghiêm túc nhưng cũng phải thận trọng, làm đến nơi đến chốn, làm đến đâu phải chắc đến đó để cuối cùng đem lại hiệu quả. Thế còn tại sao Tổng Bí thư nói không thể chậm trễ hơn được nữa là bởi Đại hội Đảng XIII đặt mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển nhưng có thu nhập trung bình cao. Rồi đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta phải trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao. Như vậy, thời gian vật chất không còn dài nữa mà nếu chậm trễ thì mất thời cơ.

TS. Thang Văn Phúc: Tôi cũng đồng tình với ông Hà. Thực sự, đây là công việc rất hệ trọng, liên quan toàn bộ thể chế quản lý mới của đất nước để tháo gỡ rất nhiều vấn đề đang tạo ra những điểm nghẽn của tiến trình phát triển.
Chúng ta đã có hành trình đổi mới 40 năm và thực hiện cải cách hành chính khoảng 30 năm. Rất nhiều việc được đưa ra rất sớm nhưng kết quả biểu hiện là sự chậm trễ, không đáp ứng được yêu cầu tăng tốc phát triển của đất nước. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Bởi vì những mục tiêu rất lớn lao của đất nước tới năm 2030 và 2045 đang rất thách thức nên không thể chậm trễ mà phải hành động. Chính tinh thần mới của Trung ương và Tổng Bí thư thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong tổ chức lại bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị. Như vậy sẽ tạo ra sự đồng bộ với tiến trình đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quan trọng hơn nữa là chúng ta hội nhập và đi cùng thế giới, điều này đặt ra một không gian rất mới và những thách thức rất lớn để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, của dân tộc. Chính vì thế, Tổng Bí thư yêu cầu tinh gọn bộ máy là công việc “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Điều này không có nghĩa duy ý chí, bởi chúng ta đã có biết bao kinh nghiệm và có rất nhiều tổng kết của Đảng, Nhà nước về tiến trình đổi mới, cải cách mấy chục năm vừa qua.
TS. Hoàng Mạnh Đoàn: Không phải đến bây giờ chúng ta mới thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Chúng ta đã làm từ Đại hội Đảng XII và những năm gần đây vẫn tiếp tục thực hiện. Riêng đợt này, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải thực hiện với tinh thần là “vừa chạy, vừa xếp hàng”.
“Chạy” ở đây có nghĩa là không chậm trễ được nữa. Hết thời gian mất rồi cho nên phải chạy, phải nhanh, phải tăng tốc với quyết tâm cao theo mục tiêu đề ra. “Chạy” ở đây là có mục tiêu, có định hướng, có sự chỉ đạo thống nhất để không gây ảnh hưởng tiêu cực. Còn việc “xếp hàng” ở đây có nghĩa là trình tự đúng quy trình, theo một logic. Yêu cầu là phải đúng quy trình, không gây xáo trộn trước, trong và sau khi tinh gọn.

Ngoài “vừa chạy, vừa xếp hàng” thì cần thêm những giải pháp nào để phương án sắp xếp tinh gọn diễn ra đồng bộ và hoàn thành trong quý I/2025 như mục tiêu của Trung ương đã đề ra, thưa ông Thang Văn Phúc?
TS. Thang Văn Phúc: Đây là thời cơ và cũng là điều kiện để chúng ta thực hiện tinh gọn bộ máy nhanh gọn hơn. Về sắp xếp tổ chức bộ máy của nhà nước, từ năm 1992 đến nay, chúng ta đã có lộ trình sắp xếp rất mạnh.
Giai đoạn 1992-2002, từ 76 đầu mối của Chính phủ đã sắp xếp lại còn 26 bộ với khoảng 10 cơ quan thuộc Chính phủ, tức là cũng còn trên 30 đầu mối. Giai đoạn 2007-2011, chúng ta sắp xếp lại còn 22 bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, chúng ta đã có một quá trình với nhiều bài học kinh nghiệm sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy. Điều này giúp chúng ta thực hiện tinh gọn chủ động và quyết liệt hơn. Kỳ này thực sự cũng chỉ thu gom một số bộ và sắp xếp lại các tổ chức bên trong bộ (đối với bộ máy Chính phủ). Do vậy, tôi thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự tin để làm nhanh hơn, quyết liệt hơn và có kết quả rõ hơn.
Những năm trước có các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cũng đã nhập từ 6-7 bộ, còn bây giờ chỉ sáp nhập hai bộ thành một hoặc tách và điều chỉnh lại một số lĩnh vực. Do vậy, các bộ có thể chủ động hơn trong việc đưa ra phương án sáp nhập để Bộ Chính trị và Trung ương có thể thông qua nhanh hơn so với trước đây.

Chúng ta đang kế thừa tiến trình đổi mới và cải cách trong mấy chục năm vừa rồi nên chủ yếu là việc các bộ ngành phải tập trung để xây dựng phương án. Tuy nhiên, điều quan trọng trong lần tinh gọn này là đòi hỏi sự đồng bộ của tổ chức bộ máy, của cả hệ thống chính trị. Từ Quốc hội đến Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và ngay các ban của Đảng cũng gương mẫu thực hiện. Sự đồng bộ này cũng là giải pháp giúp Ban chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy chỉ đạo những nhiệm vụ rất cụ thể và giao “bài” rất có cơ sở để thực hiện chứ không phải “từ không đến có”.
Có rất nhiều việc chúng ta đã làm rồi. Tôi lấy ví dụ một việc rất đơn giản mà chúng ta đã làm, song không thể làm ngay mà mất nhiều thời gian. Đó là tách bạch chức năng quản lý nhà nước với quản lý doanh nghiệp nhà nước; và tách chức năng thực hiện chính sách khỏi các bộ ngành ban hành chính sách. Ví dụ: Kiểm toán Nhà nước, Bảo hiểm xã hội được tách ra khỏi hai bộ Tài chính và Lao động, Thương binh và Xã hội. Đó là cơ sở để chúng ta tiếp tục tiến hành tinh gọn nhanh chóng, đưa ra mô hình mới cho quá trình sắp xếp này. Chủ trương về bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực không chỉ ở Việt Nam mà thế giới làm sớm và lâu rồi. Ở các quốc gia phát triển G7 hiện chỉ còn trung bình 12-13 bộ, Trung Quốc có 16 bộ thôi và các nước phát triển đều ở tầm đấy.
Thời kỳ bao cấp, chúng ta có rất nhiều bộ, 76 đầu mối. Có giai đoạn công việc từ A đến Z, tức từ cái kim, sợi chỉ cũng nằm trong hệ thống quản lý và phân phối của nhà nước. Còn bây giờ chúng ta điều tiết bằng cơ chế thị trường, nhà nước sẽ dần dần chuyển từ quản lý vi mô sang quản lý vĩ mô toàn xã hội bằng thể chế, chính sách pháp luật và hướng dẫn xã hội thực hiện. Do vậy, tôi cho rằng trong thời gian rất ngắn có thể định hình mô hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và Trung ương.
Ông Nguyễn Đức Hà: Từ nay đến thời hạn hoàn thành phương án sắp xếp tinh gọn (quý I/2025) theo yêu cầu của Trung ương chỉ còn mấy tháng thôi. Khối lượng công việc rất nhiều, phải thực hiện thần tốc thì mới hoàn thành. Trung ương cũng đã chỉ ra tổng thể giải pháp rồi, song tôi nghĩ cần phải hết sức chú ý mấy điểm thế này.
Thứ nhất, phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức của cả hệ thống chính trị, bởi lần này chúng ta tinh gọn toàn diện bộ máy. Đây là ý Đảng rồi nhưng lại trở thành lòng của dân. Bởi vì khi liên quan đến một cán bộ, công chức thì không phải chỉ có tư tưởng người đó mà còn cả gia đình, người nhà, người thân của họ. Nếu hậu phương của họ cũng thấy đợt tinh gọn này là đúng, nên nếu có ảnh hưởng đến ai thì cũng bằng lòng chịu thiệt một chút. Như thế, bản thân người cán bộ thuộc diện phải sắp xếp lại cũng an lòng hơn. Đây là điểm nhấn mà tôi cho là phải hết sức chú ý.

Thứ hai, phải đặc biệt chú trọng sự gương mẫu, khẩn trương, quyết liệt của người đứng đầu. Thực tế, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm này rồi. Đó là sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an, hay vừa rồi Thủ tướng chỉ đạo thi công đường dây 500kV mạch 3…, sự chỉ đạo sâu sát của cấp trên mà đặc biệt là vai trò của người đứng đầu (đã giúp đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành tốt công việc). Cần phải hết sức chú ý việc đó để có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn thế này trong thời gian ngắn.

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 18, bộ máy của Chính phủ sẽ chỉ còn 13 bộ và 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ) và 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan). Ông Thang Văn Phúc bình luận thế nào về quy mô và cách thức sắp xếp, tinh gọn này?
TS. Thang Văn Phúc: Thực tế, không phải bây giờ chúng ta mới nêu phương án tinh gọn, mà ngay từ Đại hội Đảng VIII đã có chuyên đề về sắp xếp tổ chức bộ máy. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII sau này cũng đã đưa ra phương án tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, kể cả các cơ quan của Đảng lúc đó cũng đã giảm 4 ban, trong đó có Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương… Lúc đó đã giảm rồi nhưng quá trình vận hành thấy có vấn đề thì lại lập lại, và bây giờ chúng ta lại xem xét gom các ban Đảng lại. Về phía Chính phủ cũng đưa ra mô hình16-17 bộ, kể cả mô hình sáp nhập Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính.
Từ năm 1999, chúng ta cũng đã xem xét trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường với nhiều vấn đề mới đặt ra, có thể gom thành Bộ Kinh tế phát triển. Tính đến giờ đã qua 25 năm, chúng ta phải tập trung tinh gọn vì quá trình vận hành của bộ máy Chính phủ cũng như các cơ quan hiện nay có sự chồng lấn, khiến hiệu lực, hiệu quả bị giảm. Sự trùng lặp dẫn tới rất nhiều cơ quan cùng lo một phần việc.
Lấy ví dụ, chỉ một loại món ăn (thực phẩm) thì có tới 3 bộ chịu trách nhiệm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp và Y tế. Như vậy rõ ràng điều hành thì phải phối hợp, mà đã phối hợp thì mất thời gian. Lần này cần thống nhất một bộ chịu trách nhiệm một vấn đề trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Đó là một trong những thách thức rất lớn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, phải nhận thức đúng, phải tạo ra một thể chế quản trị. Trong kinh tế thị trường, thời gian là tiền bạc, vậy mà có những việc giải quyết hàng tháng, hàng năm thì không thể chấp nhận được. Đừng để thủ tục kéo dài ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả của sản xuất kinh doanh, hiệu quả giải quyết công việc của dân. Đây là điều trong suốt quá trình cải cách đều được đặt ra và chúng ta phải đấu tranh để đạt được.

Về việc gộp một số đầu mối bộ ngành, lúc đó tôi cũng tham gia nghiên cứu vấn đề này và cũng có đề xuất. Việc đó diễn ra chậm, song trước yêu cầu của thời kỳ mới này thì không thể chậm chạp và trì trệ nữa, cần phải thu gom. Tôi lấy ví dụ, chỉ có một ông bộ trưởng nước ngoài đến nước ta làm việc thì có tới 3 ông bộ trưởng của ta phải tiếp. Lý do, một vấn đề hợp tác nhưng ở ta có tới 3 bộ giải quyết, mà điều này trong quan hệ quốc tế thì họ không chấp nhận. Chúng ta buộc phải điều chỉnh để quá trình vận hành bộ máy mau lẹ hơn, đáp ứng được sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ của thị trường và thực tiễn.
Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi thấy lần này sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt của Tổng Bí thư Tô Lâm có một điểm mới, khắc phục được mặt hạn chế của 7 năm trước. Khách quan mà nói, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, chúng ta đạt được nhiều kết quả, có nhiều kết quả rất cụ thể. Nhưng có điều trước đây chúng ta mới tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy ở bên trong, tức là bên trong từng bộ, ban, ngành, còn đầu mối trực thuộc Trung ương thì vẫn giữ nguyên, chưa động chạm gì. Lần này tinh gọn toàn diện ở cả trong cả ngoài, cả trên cả dưới, cả Trung ương và cả địa phương.

Cho nên Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cấp trên phải gương mẫu, vì sự tác động của cấp trên rất lớn, rất rộng. Như tôi đã nói ở cuộc tọa đàm lần trước, nếu trên Trung ương chỉ cần giảm một bộ thôi thì ở dưới địa phương đã giảm được 63 sở. Vậy bây giờ Trung ương giảm 5 bộ, thì ở dưới địa phương giảm được hơn 300 sở, rồi mỗi huyện trong tỉnh lại giảm các phòng theo cấp số nhân thì giảm được không biết bao nhiêu mà kể. Lần này chúng ta làm đồng thời “trên cũng làm, dưới cũng làm, ngành nào cũng làm, lĩnh vực nào cũng làm”. Bây giờ anh cũng phải làm, tôi cũng phải làm, anh nào cũng phải làm cả nên không còn có sự chờ đợi, nghe ngóng, không còn cái kiểu “cứ chờ để xem họ làm ra sao” nữa.
Cùng với việc tinh gọn bộ máy Chính phủ, chúng ta cũng đặt mục tiêu giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong. Việc giảm đầu mối bên trong các bộ ngành nên dựa trên tiêu chí nào?
TS. Hoàng Mạnh Đoàn: Tôi nghĩ Ban chỉ đạo Trung ương (về thực hiện Nghị quyết 18) đã tính toán kỹ rồi. Nếu giảm dưới 15% thì bộ máy vẫn cồng kênh, chồng chéo. Thế nhưng nếu lại giảm trên 20-30% thì lại liên quan số cán bộ dôi dư cực lớn đấy. Nó không phải đơn giản bởi vì ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoạt động và cả ngân sách của nhà nước chi cho đội ngũ cán bộ dôi dư. Cách sắp xếp đội ngũ, đặc biệt là lãnh đạo quản lý dôi ra ấy thế nào cũng không đơn giản, không dễ dàng đâu.
Nghị quyết 18 đưa ra 6 lý do để tinh giản bộ máy, trong đó có một lý do tôi đọc kỹ là quản lý tổ chức bộ máy và biên chế thiếu chặt chẽ, chưa quy tụ một đầu mối. Thế thì thứ nhất, việc giảm từ 15-20% đầu mối trong đợt này nhằm mục đích công tác quản lý, tổ chức bộ máy và nhân sự phải tốt hơn. Khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp và giao thoa chức năng, nhiệm vụ là yêu cầu thứ hai. Thứ ba là tái cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ tư là giảm bớt ngân sách nhà nước chi cho bộ máy cồng kềnh. Tinh giản 15-20% nhằm những mục đích như vậy.

Thế còn sắp tới, việc tinh giản đầu mối liệu có ảnh hưởng gì đến tư tưởng và mối quan hệ của cán bộ công chức, viên chức không? Tôi khẳng định có ảnh hưởng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Chính vì vậy, việc giảm 15-20% đầu mối phải đạt được tiêu chí không ảnh hưởng tiêu cực nhiều đến họ. Thứ hai, các đầu mối sau khi tinh giản phải hoạt động ngay, không để gián đoạn và hoạt động phải có hiệu lực, hiệu quả. Đấy cũng là yêu cầu lớn của Ban chỉ đạo cũng như của Tổng Bí thư. Và thứ ba là làm sao tiết kiệm được ngân sách của Nhà nước trong việc chi cho lương, điều kiện làm việc, điều kiện đi lại, rồi chế độ chính sách cho đội ngũ dôi ra đấy, nhất là cán bộ quản lý.
Tiêu chí cuối cùng phải nghĩ ngay đến chuyện chế độ chính sách cho đội ngũ dôi dư thế nào. Tôi biết Bộ Nội vụ cũng đã đệ trình những văn bản chế độ chính sách cho đội ngũ này rồi. Thế nhưng cần phải cụ thể, bám sát thực tiễn, điều tra xem tâm tư, nguyện vọng của họ và ngân sách của địa phương thế nào để có giải pháp tối ưu.
Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi cho rằng bây giờ đặt ra 15-20% cũng là con số hết sức là chung chung, dự đoán, phỏng đoán thôi. Trước hết chúng ta phải xem đầu mối bên trong là những đầu mối nào. Đầu mối bên trong một bộ là tổng cục trước đây đã giảm được một số rồi. Bây giờ còn tổng cục nào tiếp tục giảm được, bỏ được tầng lớp trung gian cục, vụ, viện, rồi đến các phòng, ban. Dưới cấp phòng, ban trong nhiều lực lượng còn có tổ, đội…, tất cả đều là đầu mối bên trong.

Thứ nhất, muốn giảm được đầu mối bên trong thì phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, từ đó mới biết đơn vị đó cần tồn tại hay không. Thứ hai, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị gồm những việc thế này thì cần bao nhiêu người để thực hiện, từ đó tính ra được biên chế. Cái chính là xây dựng vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức rồi vị trí việc làm của từng cán bộ mới ra được biên chế và đầu mối cụ thể. Lúc đó mới tính xem cần giảm bao nhiêu.
Quả thật trước đây chúng ta có làm nhưng nhiều khi sáp nhập, giảm biên chế mang tính cơ học. Có khi người cần thì lại ra ngoài mà người không cần thì ở lại trong biên chế. Cho nên, việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy phải gắn chặt với cơ cấu đội ngũ để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và cuối cùng là nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy.
TS. Thang Văn Phúc: Tôi cũng chia sẻ với ông ông Đoàn, ông Hà. Thực sự đây là việc chúng ta phải làm bài bản chứ không thể theo kiểu “mong muốn” được. Chúng ta đã có luật rất quan trọng là Luật Công chức, trong đó xác định vị trí việc làm. Anh xác định trong một tổ chức có bao nhiêu vị trí, cần bao nhiêu chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên hoặc người phục vụ thì mới tái cơ cấu được. Bây giờ rà lại xem ai đảm bảo đúng tiêu chí, yêu cầu của một vị trí đó, cần trình độ, kinh nghiệm nào, cấp nào.
Thực ra, chúng ta đang sử dụng đội ngũ công chức khá lãng phí. Khi chúng tôi làm chương trình tổng thể cải cách hành chính trong mấy năm thì thấy quốc tế cũng đánh giá như vậy. Họ không khen mình đâu, tại vì trong một tổ chức toàn báo cáo 80-90% nhân sự trình độ cử nhân rồi tiến sĩ. Các bạn quốc tế bảo họ có một cơ cấu công chức, trình độ phù hợp chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng vị trí. Phải như vậy chúng ta mới có điều kiện để đánh giá được cán bộ, công chức ở vị trí này đã đáp ứng chưa hay cần phải điều chỉnh, sắp xếp lại, cho đi đào tạo để nâng trình độ hoặc cần thiết thì cho họ ra khỏi khu vực công. Đây là điều kỳ này phải làm thực sự.

Tôi nghĩ rằng, đợt này riêng về nhân lực không thể nóng vội được. Cần phải có chính sách đầu ra cho họ và cần giải quyết như các đợt giảm biên chế trước đây. Xử lý đầu ra có nhiều “ngõ” lắm. Một là cho đi đào tạo hoặc cho về hưu sớm trước một vài năm, cho chuyển sang khu vực tư hoặc khu vực bán nhà nước. Những đầu ra đó phù hợp, tạo cơ hội cho cán bộ, công chức tiếp tục làm việc, cống hiến ở trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Tôi cũng mừng là đến nay chúng ta có nhiều điều kiện có thể xử lý được điều đó chứ không phải là chúng ta chỉ có một “lối”. Có rất nhiều “lối” để chúng ta xử lý thiết thực, hiệu quả và phù hợp nguyện vọng của cán bộ, công chức được sắp xếp.

Đáng chú ý trong cuộc cách mạng tinh gọn này, chúng ta nhập chức năng của một số cơ quan Đảng với chính quyền để giảm chồng chéo chức năng. Vậy việc chuyển giao và thực hiện chức năng, nhiệm vụ trước đây của các cơ quan Đảng sẽ diễn ra như thế nào trong bộ máy công quyền?
TS. Hoàng Mạnh Đoàn: Hoạt động của cơ quan Đảng hoặc cơ quan chính quyền suy cho cùng là để phục vụ Đảng, nhân dân và đất nước. Do vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc chuyển giao chức năng của một số cơ quan Đảng sang cơ quan chính quyền vì mục tiêu tinh gọn, hiệu quả, hiệu năng, hiệu lực thì tôi nghĩ không có vấn đề gì nếu mọi cán bộ, đảng viên đều xác định được tinh thần này. Đành rằng có chuyện việc này trước đây là của anh, bây giờ lại chuyển giao cho tôi, thì ban đầu chắc chắn sẽ bỡ ngỡ, chưa quen, chưa có kinh nghiệm. Thế nhưng nếu thực hiện với tinh thần mà chúng ta đang bàn “vừa chạy, vừa xếp hàng”, thì guồng máy sẽ hoạt động tốt thôi. Không có chuyện quan trọng hay không quan trọng, thấp hay cao gì ở đây. Chắc chắn không có cái chuyện đó.
TS. Thang Văn Phúc: Đây cũng là một trong những nút thắt trong vận hành thể chế. Chúng ta có cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, bộ máy của đoàn thể chính trị để tạo nên hệ thống chính trị. Việc xử lý tất cả mối quan hệ trong sự vận hành không đơn giản, mà đòi hỏi thời gian để xử lý những vấn đề rất mới và rất lớn của đất nước.
Một nghị quyết chuyên đề của Đại hội IX cũng đã nêu ra vấn đề sắp xếp lại các cơ quan của Đảng, tập trung cho cơ quan nhà nước và thông qua bộ máy nhà nước để thực hiện mục tiêu và sứ mệnh lãnh đạo của Đảng. Cuối cùng thì vẫn phải thông qua bộ máy nhà nước và đây mới là cơ quan thực thi mọi quyền lực của nhân dân và mọi chỉ đạo của Đảng. Chúng ta đã xác định được điều này.
Năm 1999 cũng đã giảm được 4 ban của Đảng, rất nhiều cơ quan nhập về bộ máy nhà nước. Trong điều kiện mới hiện nay, chúng ta tiếp tục chủ trương nhập chức năng của một số cơ quan Đảng với chính quyền. Ví dụ Ban Đối ngoại Trung ương sẽ kết thúc hoạt động để chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao và một phần về Văn phòng Trung ương Đảng. Thực ra, đối với hoạt động ngoại giao, tất cả hoạt động đều phải thông qua quan hệ của Bộ Ngoại giao, chính thống về nhà nước.
Thứ hai, trong hệ thống cơ quan nhà nước hiện nay cũng có các tổ chức Đảng để thực hiện nhiệm vụ đó nên tôi nghĩ rằng phương án Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiệm vụ là phù hợp. Bộ có một bộ phận để thực thi đường lối, chủ trương của Đảng về đối ngoại, và bản thân Bộ trưởng Ngoại giao cũng là Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp điều hành, thực hiện các nghị quyết của Đảng về đường lối đối ngoại.
Chúng ta có hai cơ quan (cùng nhiệm vụ) sẽ rất khó trong việc xử lý những mối quan hệ trực tiếp của quốc gia. Trong điều kiện hội nhập toàn diện với thế giới thì phải tạo ra cơ chế, thể chế phù hợp, tương thích các quan hệ. Tôi nghĩ quốc gia nào cũng thế, tổ chức nào cũng phải lo công việc đấy. Bên ngoài phải thể hiện thông lệ nhưng bên trong thì mình có tổ chức của mình cho phù hợp hoàn cảnh mới.
Cuộc tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị lần này với cá nhân tôi thấy rất mừng. Mừng vì chúng ta đã làm được việc vừa đề cao được vai trò quản trị của bộ máy nhà nước, vừa đề cao được vai trò lãnh đạo của Đảng trong tất cả quá trình vận hành của bộ máy nhà nước thông qua các tổ chức phù hợp. Không phải lúc nào cũng cần có một tổ chức Đảng tương ứng một cơ quan, tổ chức nhà nước thì mới thể hiện được sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vì, chính bản thân cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ đứng đầu các bộ máy tổ chức của Nhà nước đã phải thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm thực thi các nghị quyết của Đảng, biến chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước. Anh điều hành và anh quản trị đất nước thông qua đó.

Ông Nguyễn Đức Hà: Xung quanh vấn đề này, tôi thấy cần phải thống nhất mấy điểm rất quan trọng.
Thứ nhất, mô hình tổng thể hệ thống chính trị của chúng ta gần 80 năm nay đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện để đến bây giờ cũng không có gì để thay đổi. Đó là gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. Không thể có gì khác ngoài cơ cấu đó.
Thứ hai, cơ chế của chúng ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ cũng không thể thay đổi, chỉ là cụ thể hóa cho phù hợp, cho đúng và sát tình hình thực tiễn, tiếp tục cụ thể hóa thôi. Về mặt mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị là rõ rồi, vậy còn cơ chế làm việc thế nào? Đợt này chúng ta hợp nhất, sáp nhập chính là xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ. Có những việc thì hai, ba “ông” cùng dính vào, thành ra đùn đẩy, không rõ trách nhiệm, không ai quyết định cả.

Tổng Bí thư dẫn chứng vấn đề cát, đá, sỏi khi liên quan đến 5-6 bộ nhưng khi hỏi đến lại không biết ai chủ trì. Bộ GTVT nói lấy cát, sỏi ở sông đó là khơi thông luồng lạch. Doanh nghiệp nào làm khai thác lòng sông, chúng tôi trả tiền vì giúp khơi thông luồng lạch. Bộ Tài nguyên - Môi trường nói không được vì đó là kho tài nguyên, ai muốn khai thác phải trả tiền. Bộ Xây dựng nói là vật liệu xây dựng.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng dẫn một ví dụ rất cụ thể về quản lý cát sỏi ở sông. Bộ Giao thông bảo đây là luồng lạch nên ngành giao thông quản lý. Bộ Xây dựng bảo đó là vật liệu xây dựng nên bộ phải quản lý. Trong khi, Bộ Tài nguyên Môi trường nói tất cả đều là tài nguyên... Cứ lằng nhằng như vậy, dính dáng đến thì ai cũng có quyền nhưng bây giờ phải rõ ai chịu trách nhiệm chính. Thế nên phải hợp nhất những cơ quan có nhiệm vụ giao thoa, tương đồng. Chúng ta phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nhất quán quan điểm một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng đã là một việc thì phải do một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Như thế mới rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm.
Thưa các vị khách mời. Như vậy, việc giảm biên chế, cơ cấu lại chất lượng đội ngũ cán bộ nên diễn ra đồng thời với sắp xếp tổ chức bộ máy hay phải chờ đến khi bộ máy tinh gọn, hoàn thiện đi vào hoạt động?
TS. Thang Văn Phúc: Điều rất quan trọng là cải cách tổ chức bộ máy phải kèm theo giải quyết đầu ra, tinh giản biên chế trong bộ máy. Tất nhiên, quan điểm của tôi là phải sắp xếp ổn định bộ máy, sắp xếp vào khi đã ổn định rồi. Phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền mới của các cơ quan này thì lúc đó mới có điều kiện để rà soát đội ngũ cán bộ, công chức trong tổ chức được tinh giản. Và đây là điều sẽ phải làm, chứ không thể đồng thời được, vì đã sắp xếp đâu mà đồng thời. Thực ra, kết quả của sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ hình thành được rất rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức mới và như vậy mới có điều kiện để rà soát cán bộ, công chức. Việc rà soát này rất hệ trọng, bởi chất lượng thực hiện mục tiêu, sứ mệnh của các đơn vị này nằm ở chính đội ngũ cán bộ, công chức được sắp xếp.
Luật Cán bộ, công chức có từ năm 2008, có hiệu lực năm 2010 và chuyển sang cơ chế quản lý theo vị trí việc làm. Vị trí việc làm liên quan trực tiếp chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Và như vậy, chúng ta mới có điều kiện xác định vị trí cán bộ, công chức cũng như tiêu chuẩn đối chiếu vị trí mà họ đang đảm nhiệm. Đây là điều cần phải có thời gian và cách thức thực hiện.
Chúng tôi cũng nói vấn đề này từ nhiều năm trước rồi, cần có một chương trình, một dự án rất lớn của quốc gia để tổng rà soát, từ đó mới xác định được biên chế của từng cán bộ, công chức. Như vậy mới xác định được ai ở lại, ai thuộc diện sắp xếp lại vị trí, ai là người phải tiếp tục được cử đi đào tạo và ai phải chuyển ra khỏi công vụ hay chuyển ra khỏi tổ chức, đơn vị đó. Như vậy, phải chuẩn bị cho các chính sách đầu ra, trong đó có khu vực rất quan trọng là khu vực tư. Trong kinh tế thị trường, khu vực công thu hẹp nhưng khu vực tư lại phát triển. Chính sách của khu vực tư khuyến khích, tạo cơ hội cho mọi người có công ăn việc làm. Đây có lẽ là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trong đợt sắp xếp này.

Ông Nguyễn Đức Hà: Nếu nói việc giảm biên chế, cơ cấu lại chất lượng đội ngũ cán bộ nên diễn ra đồng thời hoặc trước, sau với sắp xếp tổ chức bộ máy thì cũng mang tính chất tương đối thôi. Nhưng rõ ràng hai việc này phải đi liền, kết hợp chặt chẽ với nhau. Bởi vì khi tinh gọn tổ chức bộ máy thì đã phải tính ngay đội ngũ cán bộ thế nào, cơ cấu chỗ nào, cần bao nhiêu cán bộ. Tất nhiên cũng không phải cùng một ngày mà làm được cả hai việc. Tôi nói nó tương đối thôi nhưng rõ ràng phải trên cơ sở tinh gọn thì mới có cái “vỏ” để chúng ta xếp cái “nhân” vào, chính là đội ngũ cán bộ.
Thế thì ở đây cần chú ý điều gì? Khi thực hiện Nghị quyết 18 cách đây 7 năm, chúng ta có tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng tinh giản biên chế vẫn còn mang tính cơ học, chưa cơ cấu lại để nâng cao chất lượng đội ngũ. Do vậy, lần này phải hết sức chú trọng tinh gọn, tổ chức bộ máy phải đi liền với cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tinh gọn bộ máy rõ ràng động chạm rất nhiều người, song chúng ta làm công việc lớn như thế thì động chạm là việc đương nhiên. Làm việc lớn mà không động chạm đến ai, không có cán bộ tâm tư thì mới lạ, chứ vẫn còn tâm tư thì cũng là điều bình thường. Tâm tư, trăn trở, suy nghĩ là chính đáng. Đây không phải xấu mà là chính đáng đấy. Nhưng vấn đề ở chỗ, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, có người còn tiếp tục, có người phải chuyển từ khu vực công sang tư, có người nghỉ hưu sớm. Có người thiệt ít, có người thiệt nhiều, thậm chí có người không thiệt chút nào và có người có điều kiện thăng tiến. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy cái chung rằng, khi tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ được cơ cấu lại thì chất lượng hoạt động của bộ máy tốt lên. Chất lượng hoạt động của bộ máy tốt lên sẽ đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Khi xã hội phát triển thì ai cũng được hưởng thành quả đó.

Ngân sách đang chi cho bộ máy và cán bộ 70 %, còn lại 30% thì đâu có phải chỉ dành cho đầu tư phát triển, mà còn để trả những khoản nợ đến kỳ hạn. Bây giờ, chúng ta giảm được chi thường xuyên, tức là giảm khoản chi nuôi bộ máy, thì mới tăng được đầu tư phát triển. Không tăng đầu tư phát triển thì làm sao phát triển, làm sao mà vươn mình, cất cánh được.

Mời quý vị đón đọc bài 2:
TINH GỌN BỘ MÁY: AI ĐI - AI Ở?
Chỉ đạo nội dung: Nguyễn Kim Khiêm
Chỉ đạo sản xuất: Nguyễn Trung Sơn
Tổ chức sản xuất: Minh Hoàn
Biên tập: Minh Hoàn - Quang Hưng - Hồng Phúc
Ảnh: Văn Tuyến
Thiết kế: Thanh Nga - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội