Font

Giáo dục và đào tạo được xác định là đột phá chiến lược đảm bảo các điều kiện quan trọng cho sự bứt phá của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Mục tiêu đặt ra cho ngành giáo dục là cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra năng suất lao động cao hơn cho nhiều lĩnh vực để góp sức vào kỷ nguyên mới.

Nhân dịp đầu xuân, năm mới Ất Tỵ 2025, phóng viên Đài Hà Nội đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

PV: Thưa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đâu là dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm 2024?

Năm 2024, ngành có nhiều dấu ấn trong lộ trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong đó, nổi bật nhất là việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các cấp học, các lớp học từ 1 đến 12. Việc biên soạn sách giáo khoa cũng như triển khai phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá các kỳ thi cũng được triển khai tốt. Do vậy, có thể nói đối với giáo dục phổ thông, năm vừa qua có rất nhiều công việc được triển khai và thu được kết quả rất tích cực trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. 

Đây cũng là năm mà toàn ngành nhìn nhận lại công cuộc đổi mới giáo dục - đào tạo trong suốt hơn 10 năm qua và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo. Trên cơ sở tổng kết này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91, trong đó chỉ ra những định hướng rất quan trọng để tiếp tục đổi mới giáo dục - đào tạo ở chặng đường tiếp theo, trong đó có cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các mục tiêu phát triển của đất nước. Đây cũng là năm chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều được tăng cường. Các đoàn thi quốc tế đạt nhiều kết quả ấn tượng, Việt Nam vẫn duy trì trong nhóm 10 quốc gia có thành tích thi Olympics cao nhất. 

Furniture, Suit, Coat, Logo, Desk, Chair

Đến cuối năm 2024, ngành giáo dục đã hoàn tất các quy hoạch ngành và đợi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai trong năm nay. Các bậc học năm vừa qua đều có điểm mới, trong đó có việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục mầm non mới và chúng ta có các trường đại học đứng trong Top 500 các trường đại học trên thế giới với số lượng nhiều hơn, vị trí cũng được củng cố hơn.  

Trong năm qua, chế độ chính sách đối với nhà giáo cũng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội được dư luận xã hội và Quốc hội ủng hộ cũng cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự phát triển của lực lượng nhà giáo. 

Facial expression, Formal wear, White-collar worker, Dress shirt, Blazer, Suit

PV: Thưa Bộ trưởng, giáo dục - đào tạo vẫn được xác định là quốc sách hàng đầu và là đột phá chiến lược đảm bảo các điều kiện quan trọng cho sự bứt phá của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Ngành Giáo dục sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ gì để đáp ứng yêu cầu này?

Để hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ cao cả này, ngành giáo dục – đào tạo có nhiều việc phải làm, trong đó có việc thực hiện đầy đủ nội dung, định hướng, yêu cầu trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị để cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nội dung như: hiện đại hóa các trường đại học, tăng cường phổ cập, triển khai chương trình giáo dục mầm non mới. Đặc biệt, chúng ta đều biết chủ trương lớn của giáo dục là tăng cường việc dạy và học Tiếng Anh để từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. 

Một trong những yêu cầu cấp thiết cũng được đặt ra cho ngành giáo dục – đào tạo là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao. Chúng tôi xác định đối với hệ thống giáo dục đại học, vừa cần tăng cường tự chủ, nhưng đồng thời cần có sự đầu tư, khuyến khích để khối các trường đại học, khối khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho nhiều lĩnh vực đang có nhu cầu cao. Chẳng hạn như: đường sắt tốc độ cao, sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng mới… Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra năng suất lao động cao hơn, góp sức vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của dân tộc. 

Technology

PV: Với giáo dục của Thủ đô Hà Nội, trong năm mới 2025, Bộ trưởng nghĩ ngành giáo dục thành phố cần phát huy những vấn đề gì để tiếp tục đạt được thành tựu nổi bật như năm vừa qua?

Giáo dục – Đào tạo của Thủ đô có truyền thống là một nền giáo dục chất lượng cao, hình mẫu để các tỉnh, thành trong cả nước học tập. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn đều rất tốt. Hà Nội có đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp tốt. Vừa qua, thành phố đã đầu tư và dành sự quan tâm rất nhiều cho giáo dục, từ giáo dục mầm non đến phổ thông và đại học.

Thời gian tới, giáo dục Thủ đô vẫn sẽ luôn đứng trước những thách thức và áp lực, đó là thách thức của việc luôn phải đứng đầu về chất lượng, áp lực rất lớn về quy mô phát triển và sự kỳ vọng của xã hội cũng của phụ huynh, học sinh. 

Formal wear, White-collar worker, Dress shirt, Suit, Coat, Blazer, Necktie

Bên cạnh đó, Thủ đô cũng thu hút một lực lượng lao động trẻ đến đây, áp lực về chỗ học cũng gia tăng cùng nhu cầu học tập. Do vậy năm nay, bên cạnh thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, thành phố còn phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, giáo viên và các điều kiện khác để đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo. Tôi cũng rất mong Thủ đô đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm hơn nữa việc đảm bảo đủ phòng học, giáo viên để làm sao giảm áp lực đối với học sinh trong các kỳ thi cũng như mỗi đầu năm học. 

Public event, Uniform, Parade, Logo

Ngoài ra, cũng cần đảm bảo chất lượng giữa các trường học không quá chênh lệch. Bởi nếu như vẫn tiếp tục duy trì sự chênh lệch này, thì dù có đủ chỗ học trên toàn thành phố cũng sẽ vẫn căng thẳng do áp lực từ việc mong muốn con cái được học trường tốt của phụ huynh. Làm sao giải quyết hài hòa giữa giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà, đấy cũng là mong muốn của tôi trong năm tới. 

Nhân dịp xuân mới, thay mặt lãnh đạo ngành GD-ĐT, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả quý vị phụ huynh và người dân Thủ đô đã luôn quan tâm, đồng hành và ủng hộ ngành. Những thách thức phía trước còn rất nhiều, đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, đòi hỏi ngành giáo dục - đào tạo phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, có chiều sâu hơn, hướng tới chất lượng cao hơn. Tôi mong tất cả các nhà giáo tiếp tục nỗ lực để đổi mới chính mình, đổi mới giáo dục và hoàn thành sứ mệnh, trọng trách được xã hội giao phó. Chúc tất cả nhà giáo bước sang Xuân Ất Tỵ dồi dào sức khỏe, tràn ngập hạnh phúc và thành công.

Biên tập: Tuyết Nhung

Thiết kế: Hoàng Minh - Thanh Nga

Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường

© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội