



Nếu muốn thấy rõ nét nhất niềm hân hoan khi Tết đến xuân về tại các làng quê ngoại thành Hà Nội chỉ cần quan sát những con đường. Mỗi con đường như là diện mạo của mỗi ngôi làng. Ngày thường, đường làng khá vắng vẻ bởi người trẻ trong làng hầu hết đi học, đi làm xa quê. Chỉ khi năm hết Tết đến, những con đường này mới trở nên nhộn nhịp, sôi động đón những người con đi xa trở về. Những bước chân đi ngàn vạn nẻo đường của người dân, cuối năm đều hướng về quê, về con đường làng thân thuộc, về với sum họp gia đình.

Cả năm đi khắp mọi nơi kiếm sống, nhưng ngày cuối năm ai, xe máy, ô tô, bước chân đều hướng về làng, về quê hương, về gia đình
Hành trình trở về đầy háo hức...
...và cũng đầy cảm xúc
Đường làng và những con ngõ quen thuộc dẫn lối ký ức trở về trong mỗi người
Những đứa con đứa cháu đi xa đã trở về nhà, cũng là lúc cảm xúc vỡ òa, những nhớ mong, trông ngóng, đợi chờ.... đều được tan ra nhờ những cái ôm, những ánh mắt thân thương trìu mến và những nụ cười.
Dù đi qua ngàn vạn nẻo đường, ngày cuối năm, mọi bước chân đều hướng về quê, về con đường làng thân thuộc, về sum họp gia đình.
Hoạt động không thể thiếu của các gia đình ở làng quê ngoại thành Hà Nội là Tết đến nhà nhà đều rục rích gói bánh chưng. Thời tiết mưa xuân nồm ẩm nên các gia đình đều đợi sát Tết mới gói và đun bánh. Gia đình bà Thanh - làng Cựu, Vân Từ, Phú Xuyên luộc và vớt bánh đúng sáng 29 Tết.
Tại nhiều làng quê ngoại thành, đặc biệt là các làng nghề, người trẻ quanh năm đi học đi làm ở nơi xa, ở lại làng chỉ có người già và trẻ nhỏ. Sáng cuối năm, bà cháu cụ Chắt ở làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai cùng nhau đi chợ Tết, đặng chuẩn bị tươm tất đón bố mẹ cháu Xuân đi bán hàng Tết trong nội thành về
Mua một bó lá mùi già để đun nước tắm gội là hoạt động không thể thiếu vào ngày cuối năm. Người Việt quan niệm rằng nước lá mùi già có hương thơm thanh khiết, có tác dụng tẩy hết những vận xui năm cũ, để bước sang năm mới tinh khôi may mắn hơn.
Phiên chợ quê ngày 29 Tết đầy ắp những sản vật địa phương. Quán chợ mái ngói thâm nâu tường vào rêu phong, con đường bên chợ gạch đỏ lát nghiêng, những người quê chân chất, những hoa những quả những quất những đào... tất cả tạo nên một bức tranh Xuân rực rỡ sắc màu cuộc sống
Con gà trống mào cờ lông tía là món hàng không thể thiếu trong phiên chợ cuối năm. Mâm cỗ giao thừa nhà ai cũng có con gà trống luộc buộc cánh tiên, mào tươi da óng. Nên bu gà ngày giáp Tết luôn đông đúc người xem mua.
Khu bán quất đào cây hoa cảnh ngày cuối năm cũng không kém phần nhộn nhịp
Từ phiên chợ, những sản vật địa phương ngày Tết được những người đi chợ mua mang về nhà. “Tết” vì thế, cũng theo những làn những giỏ trên con đường làng gạch đỏ lát nghiêng, tỏa về các gia đình.
Những đứa trẻ sinh ra từ làng, lớn lên đều đã xa quê, đi làm đi học ở nội thành hoặc tỉnh khác. Nhưng ngày cuối năm, con cháu của làng thành đạt phương trưởng đều không quên về lại quê hương, dâng lễ tại nhà thờ họ, như một cách để tưởng nhớ tri ân quê hương bản quán của mình.
Ngày cuối năm, các bậc cao niên trong làng trong họ vẫn giữ lệ họp bàn với nhau việc họ việc làng. Ở những làng quê truyền thống, các bậc cao niên trong làng luôn được trọng vọng, tiếng nói của các cụ được người dân trân trọng và nghe theo. Nên những việc chuẩn bị đón Tết ở làng, ở họ, chuẩn bị cho hội làng đều được các cụ họp bàn cẩn thận. Đó là tôn ti đáng quý ở làng quê
Ngày cuối năm, khi mà ông bà cha mẹ ở nhà đang ngóng đợi, thì giữa lòng phố ngược xuôi tất bật, những “đứa con đi xa hoài” cũng bắt đầu cuộc hành trình để trở về
Vui nhất ngày giáp Tết chắc hẳn là lũ trẻ con. Cỗ Tết ngon, quần áo đẹp, nhận lì xì... luôn là niềm háo hức của mọi đứa trẻ
Những đứa trẻ này lớn lên rồi cũng rời làng đi xa đi làm đi học, nhưng con đường làng đỏ thắm bóng cờ, gốc đa, quán nước thân thương sẽ luôn là ký ức không thể quên, là gốc rễ cội nguồn, là hành trang những người làng mang theo đi khắp chốn
Những cụ ông trong làng sáng cuối năm vẫn giữ nếp ra quán nước đầu làng đánh cờ. Thực ra, đánh cờ là cái cớ, những người già ấy muốn ra đầu làng để ngóng đợi các con về
Ngóng đợi. Cả năm cả tháng đi làm việc nơi xa. Ngày giáp Tết lại là những ngày dài nhất. Vì người thân ở nhà ngóng đợi phút giây sum họp trùng phùng.
Chỉ đạo nội dung: Nguyễn Kim Khiêm
Chỉ đạo sản xuất: Nguyễn Trung Sơn
Biên tập: Hồng Hạnh
Thiết kế: Hoàng Minh - Thanh Nga
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội