Minh Hoàn
Nhiều dự án hàng ngàn tỷ đồng trên cả nước đang trong tình trạng “đắp chiếu”, dẫn đến lãng phí tiền bạc, thời gian và quan trọng hơn là cơ hội phát triển. Với việc điểm mặt các dự án gây lãng phí và truy “địa chỉ” chịu trách nhiệm, công cuộc chống lãng phí do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động không còn dừng ở chủ trương mà bắt đầu biến thành hành động.
Trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực hôm 30/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án gây thất thoát, lãng phí lớn. Trước hết là dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, dự án giải quyết ngập do triều cường TP.HCM và các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng chưa được kết nối vận hành.
Hai cơ sở bệnh viện nêu trên có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong khi dự án chống ngập tại TP. HCM cũng được đầu tư ngần đó số tiền… Tất cả trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số nhỏ so với 160 dự án đang bị ách tắc với 59.000 tỷ đồng được cơ quan chức năng rà soát thời gian qua. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay thực tế các dự án đắp chiếu này còn “nhiều hơn rất nhiều” nếu tổng rà soát cả nước. Một khi giải phóng được các dự án này sẽ khơi thông nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế.
Nhìn vào con số trên để thấy không phải bỗng nhiên người đứng đầu Đảng xác định đưa phòng, chống lãng phí lên ngang hàng nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Tham nhũng lấy đi một đồng, song lãng phí có khi phá vài đồng, hay như cách một số người ví von gần đây rằng “tham nhũng như hạt ngô, lãng phí như bắp ngô”.
Tham nhũng, lãng phí lâu nay vốn được xem là một cặp. Tuy nhiên, thời gian qua, lãng phí dù hữu hình với con số được đo lường cụ thể, thì trách nhiệm đối với việc gây lãng phí dường như lại vô hình. Việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây lãng phí gặp ách tắc cũng như chính các dự án đang “đắp chiếu”. Nguyên do là nhiều quy định pháp luật chồng chéo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, thiếu phân cấp, phân quyền, khó quy trách nhiệm khi xảy ra lãng phí.
Tháng 6/2016, TPHCM khởi công dự án Giải quyết ngập do triều theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư 9.926 tỉ đồng, tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng (từ năm 2016-2018). Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.
Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ
Tháng 10/2024, cống ngăn triều Mương Chuối (ở sông Mương Chuối, huyện Nhà Bè) - cống kiểm soát triều có quy mô lớn nhất của dự án chống ngập vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Ảnh: Anh Tú
Cống ngăn triều Tân Thuận (quận 7) – một trong sáu cống chính của dự án cũng trong tình trạng tương tự. Hàng nghìn tỷ đồng thiết bị sẽ tiếp tục bị phơi mưa phơi nắng khi dự án chưa thể thể hoàn thành.
Ảnh: Anh Tú
Ngày 1/9/2024 - ngày thứ hai của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, nhiều tuyến phố tại TPHCM ngập sâu trong nước chỉ sau khi mưa trút xuống khoảng 20 phút. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án chống ngập tại TPHCM kéo dài gần 10 năm vẫn chưa hoàn thiện và đang có nguy cơ đội vốn lên hàng nghìn tỷ đồng.
Ảnh: Cổng TTXVN
Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng.
Ảnh: TTXVN
Tính cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thiện và đưa vào khai thác chính thức. Với vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và nguồn khác, hai cơ sở y tế này đã không đáp ứng được kỳ vọng sẽ chống quá tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến Trung ương ở miền Bắc. Dự án bệnh viện hàng nghìn tỉ đồng phải “đắp chiếu” nhiều năm là câu chuyện điển hình về lãng phí nguồn lực Nhà nước.
Ảnh: TTXVN
"Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân. Trước mắt, rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài ở những dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn", với chỉ đạo này của Tổng Bí thư Tô Lâm, công cuộc phòng chống lãng phí không còn là chủ trương mà đã biến thành hành động cụ thể của hệ thống chính trị.
Trước yêu cầu thực tiễn của công cuộc phát triển đất nước, có thể nói rằng Quốc hội các nhiệm kỳ qua đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ trong công tác lập pháp cũng như giám sát. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh.
Ghi nhận thành tựu này, song Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong hoạt động của Quốc hội. Theo đó, có ba điểm nghẽn lớn nhất là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Cụ thể là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo.
Câu chuyện quy định pháp luật chồng chéo gây khó hiểu, khó thực thi hoặc tệ hơn nữa trở thành rào cản cho phát triển, gây lãng phí cơ hội và thời cơ phát triển vốn không mới. Hồi tháng 4 năm ngoái, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ rằng, thành phố trong một năm đã phải gửi 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Ông Mãi liệt kê 4 nhóm vấn đề cần xin ý kiến, gồm: chưa có quy định trước thực tiễn mới phát sinh; có quy định nhưng có sự khác nhau giữa các luật; có quy định nhưng cách hiểu khác nhau; có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên phải hỏi.
"Trong hơn 600 văn bản trả lời, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào nội dung trả lời vẫn không biết sao mà làm. Chúng ta cần nói thẳng thắn với nhau có hay không câu chuyện không cần hỏi nhưng vẫn hỏi, và tỷ lệ là bao nhiêu chứ không phải là tất cả”, ông Mãi giải thích.
Tất cả lý do nêu trên tựu trung đều liên quan bất cập của quy định pháp luật, mà nói rộng ra là khiếm khuyết của thể chế. Những khiếm khuyết thể chế dẫn đến hậu quả là cán bộ không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm bởi sợ sai, từ đó hình thành tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật vì không dám làm, còn hơn đứng trước vành móng ngựa vì làm sai”.
Đó là với cá nhân, tổ chức thực thi pháp luật, còn xét trên mục tiêu phát triển đất nước, cái giá phải trả cho những khiếm khuyết thể chế còn lớn hơn nhiều. Không chỉ là lãng phí tiền bạc, nhân lực thời gian, mà tai hại hơn là lãng phí cơ hội phát triển khi các dự án bị đình trệ, bị đội vốn hay “đắp chiếu”. Trên thực tế, tình trạng “584 văn bản hỏi ý kiến” cũng diễn ra phổ biến ở các cơ quan, đơn vị nhà nước thời gian qua, đặc biệt trong hoạt động đầu tư công và chi tiêu ngân sách.
Bên cạnh bức tranh về các dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” gây lãng phí, có thể thấy đã bắt đầu xuất hiện những điểm sáng khi nhiều công trình trọng điểm về đích vượt tiến độ thời gian, tiết kiệm và làm lợi cho đất nước nhiều tỷ đồng. Điển hình là dự án đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành chỉ sau 6 tháng thi công, thay vì phải 3 đến 4 năm như thông thường. Nguyên nhân tạo ra kỳ tích này ngoài nhờ quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ, Thủ tướng cùng các bộ ngành, địa phương, đơn vị tham gia dự án thì còn ở việc đơn giản hóa các thủ tục, quy trình trong đầu tư.
Bài học thực tế trên càng cho thấy tiến trình cải cách thể chế hướng đến việc phân cấp, phân quyền, giảm đầu mối trung gian hiện nay hoàn toàn đúng đắn. Điều này để đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả” trong các hoạt động của bộ máy, đơn vị nhà nước. Nói rộng ra, việc cải cách thể chế, trong đó có các quy trình, quy định pháp luật, chắc chắn tạo ra xung lực mới cho phát triển, giúp tiết kiệm và dành tối đa nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.
Bài học đường dây 500kV mạch 3 cũng cho thấy một khi chống lãng phí trở thành mục tiêu xuyên suốt, trở thành một thứ văn hóa trong hoạt động của bộ máy công quyền và toàn xã hội thì đất nước sẽ có đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ngày trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo đưa phòng, chống lãng phí lên ngang tầm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, đồng thời yêu cầu xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội.
“Xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội, trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, đưa vào nội quy của từng cơ quan, hương ước của thôn, xóm, quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, xử lý các vi phạm từ hành chính đến mức cao nhất là hình sự” - Như vậy có thể thấy đến thời điểm này, phòng, chống lãng phí không còn dừng ở chủ trương mà đã biến thành quyết tâm chính trị và hành động mạnh mẽ của Tổng Bí thư cùng toàn thể hệ thống chính trị.
Lãng phí được điểm mặt, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây lãng phí được gọi tên và biện pháp phòng, chống lãng phí của được cụ thể hóa. Tư tưởng nhất quán, hành động thực tiễn của người đứng đầu Đảng thời gian qua về việc phát huy mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước đang tạo ra nguồn cảm hứng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp xã hội. Điều này củng cố vững chắc tâm thế và niềm tin của người dân và toàn xã hội khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.
Chỉ đạo nội dung: Nguyễn Kim Khiêm
Chỉ đạo sản xuất: Nguyễn Trung Sơn
Tổ chức sản xuất: Minh Hoàn
Biên tập: TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Hưng Bình, Ngô Thanh, Vũ Hà
Thiết kế: Thanh Nga - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội