



Lời tòa soạn: Ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây cũng là lực lượng tiên phong thức đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Tiếp theo trong tuyến bài “Cuộc cách mạng trong nhận thức về kinh tế tư nhân”, Đài Hà Nội trân trọng giới thiệu bài “Bước tiến mới trong cách mạng nhận thức về kinh tế tư nhân” của tác giả Hoàng Tư Giang, một nhà báo chuyên phân tích, bình luận về các vấn đề kinh tế của đất nước. Bài được phát sóng trên FM96 và thể hiện dưới hình thức emagazine trên HÀNỘI ON.



Kinh tế tư nhân là một “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia. Tinh thần này đã được nhắc tới hai lần trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4/5. Đó là một bước ngoặt lịch sử của khu vực kinh tế này, từ lúc bị triệt tiêu và hoạt động ngoài vòng pháp luật những năm trước Đổi mới, được hồi phục với những bước đi “dò đá qua sông” nhiều thập kỷ sau đó, để rồi hứa hẹn bùng nổ trong thời gian tới. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những húy kỵ, giáo điều để giúp khơi thông và tháo bung nguồn lực của nhân dân cùng năng lực nội sinh của quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã rất khác trước đây.

Quan điểm phát triển kinh tế tư nhân là “một trong những động lực quan trọng nhất” lần đầu tiên được đưa ra công khai bởi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nay là Phó Thủ tướng, tại Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê ngày 20/12/2024.
Cách tiếp cận “một trong những” như trên, và lại nằm ở dòng cuối cùng trong 10 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nói một cách thẳng thắn, vẫn còn khá dè dặt và cẩn trọng dù đã có tư duy cởi trói. Đây là một cách tiếp cận thận trọng khi cán cân giữa kinh tế nhà nước là “chủ đạo” và kinh tế tư nhân là “quan trọng nhất” chưa biết sẽ nghiêng về bên nào. Giữa lý thuyết và thực tiễn, nhiều khi là cả một khoảng cách xa. Nhưng, số liệu nói lên tất cả.
Kể từ Niên giám Thống kê năm 2019 trở về trước, khu vực kinh tế tư nhân được ghi nhận tách bạch, đứng một mục riêng và chỉ chiếm từ khoảng 8 – 10% GDP. Điều này chứng tỏ khu vực này chưa thể hiện được vai trò thực sự sau gần 40 năm Đổi mới.
Trong năm 2019, Tổng cục Thống kê công bố kết quả tính lại quy mô GDP. Theo đó, quy mô GDP của Việt Nam tăng thêm 25,4%/năm trong giai đoạn 2011 - 2017 do bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp.
Xin nói rõ thêm là những số liệu này cần được nghiên cứu kỹ thêm, vì việc bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp – tức chỉ chiếm 10% trong tổng số 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến cuối năm 2019 – mà làm quy mô GDP tăng thêm 25,4%, là dữ liệu cần lưu ý.
Bắt đầu từ Niên giám Thống kê 2020, khu vực doanh nghiệp tư nhân được tính gộp vào khu vực kinh tế ngoài nhà nước, cùng với khu vực kinh tế hộ gia đình (nông nghiệp và phi nông nghiệp) và khu vực kinh tế tập thể.
Chẳng hạn, theo Niên giám Thống kê 2023 (Niên giám cập nhật nhất), khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp khoảng (làm tròn số) 50% GDP, 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo hơn 82% công ăn việc làm xã hội.
Do tính gộp như vậy, nên thực sự chưa xác định được thật rõ ràng khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng chính xác là bao nhiêu trong GDP.

Theo một số tính toán đáng tin cậy, khối doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức đóng góp khoảng 28% GDP.
Đây là chỉ số rất quan trọng, chứng minh khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước, vượt tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước (khoảng 21% GDP), khu vực kinh tế FDI (hơn 20%), kinh tế cá thể (21%), kinh tế tập thể (1%).Đương nhiên, khi tính cả khu vực kinh tế cá thể thì khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm tới 50% GDP, cao vượt trội so với tất cả các khu vực kinh tế khác.
Tóm lại, khu vực kinh tế ngoài nhà nước – trong đó bao gồm khu vực kinh tế tư nhân – chiếm tới ½ GDP của Việt Nam và xứng đáng là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã thực sự trở thành “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia hơn mọi lời nói và lý thuyết.
Tất nhiên, công tác thống kê cần phải được cải thiện một cách toàn diện để công khai, minh bạch hơn nữa về những chi tiết như vốn, lao động, đóng góp trong GDP… của khu vực kinh tế này.


Hộ kinh doanh – khu vực kinh tế nhỏ lẻ, vốn chưa được đưa vào bất kỳ luật nào – đã được nhắc tới 10 lần trong Nghị quyết 68. Đây là một điểm khác biệt lớn của Nghị quyết này. Nói một cách thẳng thắn, lâu nay khu vực hộ kinh doanh bị bỏ qua, ít khi được hưởng một ưu đãi nào của Nhà nước.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Lê Duy Bình tính toán, cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,7 triệu hộ đã đăng ký, có mã số thuế, trong khi phần lớn còn lại (3,3 triệu hộ) vẫn chưa đăng ký.
Số 1,7 triệu hộ kinh doanh có đăng ký chỉ đóng góp khoảng 1,6% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, khu vực này đang tạo ra gần 8,5 triệu việc làm, chiếm 37% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp, cao hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước (37%), doanh nghiệp FDI (22%) và vượt xa so với doanh nghiệp nhà nước (4,3%).
Cứ khoảng 20 người Việt Nam thì có một người khởi nghiệp và kiếm sống bằng hình thức hộ kinh doanh. Điều này cho thấy mô hình hộ kinh doanh phổ biến đến mức nào đối với người dân Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết thêm, khu vực hộ kinh doanh (kinh tế cá thể) chiếm tỷ trọng khoảng 22% GDP, trong đó khu vực kinh tế cá thể phi nông nghiệp và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đều chiếm tỷ trọng như nhau, khoảng 11% GDP.
Những số liệu trên cho thấy số lượng hộ kinh doanh đã gia tăng mạnh mẽ, với mật độ hộ kinh doanh trên dân số vượt trội so với mô hình doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm cho người lao động, vượt xa so với các khu vực doanh nghiệp khác. Họ chính là tấm lưới an sinh xã hội quan trọng.
Nếu Nhà nước dỡ bỏ các gánh nặng trong hệ thống pháp luật hiện hành, thì mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 là nằm trong tầm tay và không nằm trên giấy. Đây là điều không phải bàn cãi nếu nhìn vào con số 1,7 triệu hộ có đăng ký mã số thuế hiện nay.


Có thể thấy, Nghị quyết 68 với tinh thần kinh tế tư nhân là một “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia đã tháo bung mọi tư duy giáo điều, húy kỵ lâu nay. Thực tiễn ở nước ta cho thấy, chỉ cải cách mạnh mẽ, mang tính đột phá mới tạo ra cú hích đủ mạnh, giúp ra khỏi trạng thái trì trệ. "Khoán 10" trong nông nghiệp và Luật Doanh nghiệp năm 2000 là những ví dụ điển hình. Với “số đẹp 68”, nghị quyết này chắc chắn được các nhà lãnh đạo kỳ vọng sẽ có tinh thần như “Khoán 10” trong phát triển kinh tế tư nhân tới đây.

Hàng loạt các luật như Đầu tư, Quy hoạch… và gần 16.000 điều kiện kinh doanh ở các loại văn bản quy phạm pháp luật sẽ phải sửa đổi, thậm chí bãi bỏ để mang lại tinh thần “doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm”.
Danh mục ngành nghề cấm hoặc kinh doanh có điều kiện còn nhiều, thủ tục hành chính vô cùng phức tạp, nhiều khi không thể tuân thủ được. Điều này có thể gây cản trở và rủi ro cho những ý tưởng sáng tạo và đổi mới, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhà nước cần thu hẹp danh mục ngành nghề cấm, hạn chế đầu tư kinh doanh, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thực thi nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm và chưa quy định

Đã có nhiều nghị quyết thể hiện chủ trương, đường lối rất tốt đẹp cho phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhưng rồi khu vực này không phát triển như kỳ vọng. Hy vọng nhiều điều tốt đẹp sẽ đến sau Nghị quyết 68 lần này.
Mời quý vị đón đọc Bài 5: KINH TẾ TƯ NHÂN: TỪ ĐỊNH KIẾN '42 CON DẤU KHAI SINH' của Đài Hà Nội
Bài viết: Hoàng Tư Giang
Biên tập: Minh Hoàn
Thiết kế: Thanh Nga - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội