



Lời tòa soạn: Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng. Quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm trong các phát biểu và bài viết gần đây về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra nguồn cảm hứng cho giới doanh nhân, các nhà nghiên cứu kinh tế cùng các tầng lớp nhân dân.
Bởi trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, từ chỗ “hạn chế phát triển”, “khuyến khích phát triển” và đến nay trở thành “động lực quan trọng nhất”. Điều đó cho thấy cần có cuộc cách mạng trong nhận thức về kinh tế tư nhân để khu vực này trở thành lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới đưa đất nước cất cánh, đúng như chỉ đạo có tính chất mở đường của người đứng đầu Đảng: “Phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân”.
Đài Hà Nội trân trọng giới thiệu tuyến bài “Cuộc cách mạng trong nhận thức về kinh tế tư nhân” của tác giả Hoàng Tư Giang, một nhà báo chuyên nghiệp với nhiều năm theo dõi lĩnh vực kinh tế. Loạt bài được phát sóng trên FM96 và thể hiện dưới hình thức emagazine trên HÀNỘI ON



Mối nguy lớn nhất của kinh tế thị trường Việt Nam không phải là sự lấn át của doanh nghiệp nhà nước, mà chính là sự trỗi dậy của một nền kinh tế tư nhân dựa trên “doanh nghiệp sân sau”.


Trong cuộc gặp một doanh nhân lớn gần đây, chúng tôi đặt câu hỏi: “Khó khăn nhất của anh trong việc làm ăn, kinh doanh là gì?”. Không chút do dự, vị doanh nhân đáp: “Các doanh nghiệp sân sau và các doanh nghiệp thân hữu”.
Vị doanh nhân kể, không ít lần doanh nghiệp của anh đã chuẩn bị rất công phu hồ sơ, thu xếp các khoản tài chính để tham gia vào các dự án đầu tư công, nhưng rồi xôi hỏng bỏng không.
“Chỉ cần những cuộc điện thoại từ trên xuống thì dứt khoát dự án đó, hay miếng đất đó phải dành cho doanh nghiệp được chỉ định. Đó là chưa kể chính các vị ấy dành dự án đó cho doanh nghiệp của mình. Chúng tôi không có cửa”, vị doanh nhân nói, và giải thích thêm, đây là lý do mà doanh nghiệp của ông và không ít doanh nghiệp khác không thể lớn lên được.

Doanh nghiệp sân sau hay doanh nghiệp thân hữu – là các doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với quan chức nhà nước nhằm trục lợi từ các chính sách, dự án công,… đã trở thành vấn đề lớn ở nước ta.
Trong nhiều trường hợp, người ta không thể biết được một cách tường tận về các doanh nghiệp sân sau bởi cách bắt tay, chia chác khá tinh vi. Dự án công ở địa bàn tỉnh tôi, tôi sẽ chỉ định cho công ty sân sau của anh; còn dự án của tỉnh anh, thì anh chấm cho công ty sân sau của tôi. Thậm chí, có các cuộc điện thoại xuống. Công việc cứ thế quay vòng chỉ trong một nhóm doanh nghiệp.
Và như vậy, phần lớn doanh nghiệp khác đã mất đi khả năng tiếp cận các cơ hội kinh tế. Sự bình đẳng về cơ hội gần như không còn!

Nhiều khi, sự bắt tay, thông đồng cũng thẳng thắn đến mức độ “huỵch toẹt” ra. Chẳng hạn, nhiều dự án BOT, BT chỉ định thầu rất thiếu công khai, minh bạch.
Ở nhiều dự án BOT giao thông, người ta còn để các trạm thu phí bên ngoài tuyến đường theo cách “be bờ, đắp đập” làm cho người dân tham gia giao thông không có lựa chọn khác để đi. Thậm chí, một số dự án BOT cải tạo đường hiện hữu rồi thu phí cho cả tuyến. Người dân, người sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp phí nhưng lại không được tham vấn khi chủ đầu tư xây dựng dự án, đặt trạm thu phí BOT.
Không thể đổ lỗi một số dự án BOT có tình trạng “be bờ, đắp đập” nêu trên cho việc thiếu hệ thống pháp lý. Doanh nghiệp nào, ngân hàng nào dám bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư cho một dự án giao thông nếu không được sự ủng hộ của các lãnh đạo?
Vụ đưa hối lộ của Hậu “Pháo” - Tập đoàn Phúc Sơn đã cho thấy rõ mức độ thân hữu tính bằng… triệu đô. Báo chí mô tả, Cựu Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thúy Lan gọi Hậu “Pháo” đến nhà riêng và nói: “Chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu USD” và giơ 1 ngón trỏ bàn tay phải… Hiểu ý cựu Bí thư, Hậu chỉ đạo chị gái chuẩn bị ngay 1 triệu USD.
Theo kết luận điều tra, Hậu “Pháo” đã đưa hối lộ tổng số tiền hơn 132 tỷ đồng cho bà cựu Bí thư và nhiều người khác để được tạo điều kiện thực hiện dự án Chợ đầu mối có quy mô 188 ha đất.
Cũng trong vụ án, Hậu “Pháo” còn yêu cầu cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, ông Đặng Trung Hoành dùng 8,5 tỷ đồng của Hậu để mua đất cho người nhà lãnh đạo cấp trên.

Vụ án Hậu “Pháo”, và hẳn là không ít các vụ án khác, đã giúp phác họa ra những vòng xoáy quan hệ của những người như Hậu “Pháo” và các nhóm quan chức như bà Thúy Lan. Vụ án này, ở góc độ lớn hơn, giúp mô tả cách mà một doanh nghiệp sân sau thường được ưu ái trong đấu thầu, cấp phép, hoặc nhận hỗ trợ từ chính sách công.
Các bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Cộng sản và nhiều báo chí chính thống khác chỉ ra: “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng như trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành.

Cuộc chiến chống tham nhũng cũng đã có tác động lớn để ngăn chặn những vụ việc tương tự.
Theo Báo cáo PCI của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ tiêu đo lường về doanh nghiệp “thân hữu” - tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh” đã giảm liên tục từ con số 61,1% năm 2021 xuống mức 57,7% năm 2022 và 55,3% năm 2023.

Nếu nhìn vào con số 96,6% khi lần đầu tiên đo lường chỉ tiêu này vào năm 2013, thì con số 55,3% của năm 2023 là thực sự ấn tượng, cho thấy tình trạng doanh nghiệp sân sau đã giảm đi khá nhiều, dù vẫn là vấn đề rất lớn đối với sự phát triển lành mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, “doanh nghiệp sân sau” tạo ra sự bất bình đẳng và thiếu cạnh tranh lành mạnh, do được nhà nước ưu ái về thương quyền và chính sách hơn các doanh nghiệp khác. Về quản lý nhà nước, nó làm méo mó cả quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Về chính trị, nó góp phần hình thành các phe nhóm quyền lực ngầm, thúc đẩy xung đột và đấu đá nội bộ trong bộ máy công quyền. Về pháp lý, “doanh nghiệp sân sau” là môi trường thuận lợi cho tội phạm có tổ chức phát triển theo cả hai chiều từ dưới lên và từ trên xuống, làm tê liệt hoạt động thực thi pháp luật ngay từ bên trong.

Ông nói, nếu tham nhũng thông thường chỉ làm suy thoái đạo đức quan chức, thì chủ nghĩa tư bản thân hữu khi lan rộng có thể bóp méo sự phát triển của cả nền kinh tế, thậm chí cả quốc gia.

VCCI từng khảo sát ba vấn đề đối với doanh nghiệp tư nhân: Chính quyền có đang ưu ái doanh nghiệp nhà nước; Chính quyền có đang ưu ái doanh nghiệp FDI; và Chính quyền có ưu ái doanh nghiệp tư nhân sân sau. Kết quả là 38% trả lời có ở vấn đề (1), 40% trả lời có ở (2) và 73% trả lời có ở (3).
Điều này có nghĩa, mối đe dọa lớn nhất đến sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không phải là doanh nghiệp nhà nước, hay doanh nghiệp FDI mà chính là các doanh nghiệp sân sau và thân hữu. Mối nguy lớn nhất của kinh tế thị trường Việt Nam không phải là vai trò lớn của doanh nghiệp nhà nước, mà chính là sự trỗi dậy của một nền kinh tế tư nhân dựa trên “doanh nghiệp sân sau".

Sự móc ngoặc, thông đồng giữa các quan chức như bà Thúy Lan với những Hậu “Pháo” trên nền tảng công thì còn đâu cơ hội công bằng cho số đông?.
Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra yêu cầu rất rõ ràng: Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Nhưng đến nay, đáng tiếc là chưa có tổng kết về Nghị quyết này, trong khi các mục tiêu phát triển 1 triệu và 1,5 triệu doanh nghiệp vào các năm 2020 và 2025 đã thất bại.

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước.
Ông khẳng định: Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; Xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần “thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách”, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của “cơ chế thị trường” để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân.

Những chỉ đạo của người đứng đầu Đảng là rất xác đáng đối với nền kinh tế đang chuyển đổi như nước ta, một nền kinh tế mà trước Đổi mới thì gần như tất cả mọi thứ, từ vốn, đất đai, tư liệu sản xuất,… đều thuộc về Nhà nước.
Quá trình chuyển đổi đó đến nay vẫn đang diễn ra, nên Nhà nước vẫn đang nắm rất nhiều nguồn lực trong nền kinh tế. Để kinh tế tư nhân phát triển và “trở thành động lực quan trọng nhất”, doanh nghiệp tư nhân cần có cơ hội được tiếp cận với tất cả các nguồn lực đó, một cách bình đẳng, như các doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời, chính các doanh nghiệp cũng được bình đẳng như nhau trong việc tiếp cận các cơ hội kinh tế.
Ứng xử minh bạch và tạo sự bình đẳng trong cả tư duy và thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị chính là chìa khóa để kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển, trở thành động lực kinh tế quan trọng nhất của đất nước.
Bài viết: Hoàng Tư Giang
Biên tập: Minh Hoàn
Ảnh: Văn Tuyến
Thiết kế: Thanh Nga - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội