



Lời tòa soạn: Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng. Quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm trong các phát biểu và bài viết gần đây về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra nguồn cảm hứng cho giới doanh nhân, các nhà nghiên cứu kinh tế cùng các tầng lớp nhân dân.
Bởi trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, từ chỗ “hạn chế phát triển”, “khuyến khích phát triển” và đến nay trở thành “động lực quan trọng nhất”. Điều đó cho thấy cần có cuộc cách mạng trong nhận thức về kinh tế tư nhân để khu vực này trở thành lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới đưa đất nước cất cánh, đúng như chỉ đạo có tính chất mở đường của người đứng đầu Đảng: “Phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân”.
Đài Hà Nội trân trọng giới thiệu tuyến bài “Cuộc cách mạng trong nhận thức về kinh tế tư nhân” của tác giả Hoàng Tư Giang, một nhà báo chuyên nghiệp với nhiều năm theo dõi lĩnh vực kinh tế. Loạt bài được phát sóng trên FM96 và thể hiện dưới hình thức emagazine trên HÀNỘI ON



Kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực quan trọng nhất trong nền kinh tế, song doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có đủ các điều kiện đểthực hiện quyền tự do kinh doanh theo cơ chế thị trường và được tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà luật không cấm.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đang sống lại những ngày tháng sôi nổi của tuổi thanh xuân, khi ông viết dự thảo Luật Doanh nghiệp đầu tiên năm 1999.
Hàng ngày, ông tiếp xúc với nhiều giới, đọc lại nhiều tài liệu, viết nhiều kiến giải từ thực tiễn với mong muốn cổ động cho tinh thần “khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất” mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phát biểu công khai gần đây.
“Đây là cơ hội vàng để chúng ta khơi thông nguồn lực tiềm tàng trong dân vốn bị kìm chế lâu nay”, ông nói.

Khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999, mở ra con đường phát triển cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh sau bao thăng trầm trong các thập kỷ trước đó, ông Cung và một số nhân vật khác đã đưa được tinh thần đột phá vào luật: "Công dân được làm những gì pháp luật không cấm; còn cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép"
Với tinh thần đó, danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành và đưa vào luật. Ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh nằm trong danh sách đó. Hay nói cách khác, không gian làm ăn, kinh doanh của người dân được mở ra rộng rãi vô cùng chứ không còn phải đi xin như trước.
Đến Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh của người dân đã được hiến định.
Nhưng, tiếc thay, nhiều luật chuyên ngành sau này đã không còn tôn trọng tinh thần trên và điều kiện kinh doanh được ban hành như nấm sau mưa, hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân.

“Điều kiện kinh doanh” hay “giấy phép con” mọc lên như nấm sau mưa, trở nên phổ biến ở “mọi cấp, mọi ngành”.
Đến nay, sau khi sáp nhập Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương vào cơ quan Đảng, dường như không còn cơ quan nào làm công việc kiểm đếm các điều kiện kinh doanh nữa.
Một tài liệu của Chính phủ ước tính, còn khoảng 13.000 điều kiện kinh doanh, thậm chí hơn, tồn tại trong các văn bản pháp luật.
Nhiều chủ doanh nghiệp đã than trời như “Một thanh chocolate gánh 13 loại giấy phép”, “Không được cho lợn ăn thân chuối hay bèo tây”, “Một dự án cần đến 40 con dấu” hay “Nhiều dự án bất động sản cần đến 10 - 20 năm để hoàn thành”.

Báo cáo của VCCI cho biết, có tới 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, 61,36% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, 21,7% doanh nghiệp gặp phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh, buộc phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Không chỉ có thế, những doanh nghiệp đang hoạt động cũng gặp không ít rào cản hành chính như thủ tục phòng cháy chữa cháy, cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh,…
“Có hàng nghìn ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn điều kiện kinh doanh tương ứng tạo nên những “cánh rừng” dày đặc rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Cung phải thốt lên sau thời gian dài tự rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật gần đây.


Trong suốt mấy chục năm sau Đổi mới, nhiều chủ trương, đường lối để phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã được ban hành, trong đó đáng kể nhất là Nghị quyết 10 năm 2017 mà các nhà lãnh đạo từng mong muốn sẽ tạo đột phá như Khoán 10 năm nào.
Đáng tiếc, đến đầu năm 2025, cả nước có 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, kém xa so với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đến 2020 và 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025, như Nghị quyết 10 đã đặt ra.
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2023, về quy mô, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm phần khoảng 69%; doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 25%; còn lại doanh nghiệp quy mô vừa 3,5% và doanh nghiệp lớn khoảng 2,5% (tức khoảng 25.000, trong đó doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chiếm khoảng 1/3).
Trung bình cứ hơn 10 người dân/một doanh nghiệp. Chỉ có 3 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng có tỷ lệ trên 20 doanh nghiệp/1.000 dân; có đến 20 tỉnh có tỷ lệ dưới 3 doanh nghiệp/1.000 dân; có đến 15 tỉnh có tỷ lệ 3-4 doanh nghiệp/1.000 dân.
Tổng tài sản của 12 tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam được ước tính khoảng 70 tỷ USD, chỉ bằng một tập đoàn nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn nghèo so với thế giới.
Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn lớn. Trong 2 tháng đầu năm 2025 có hơn 67 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 197,9 nghìn. Trong năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 172,6 nghìn. Những số liệu này cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường luôn chạm kỷ lục mới.

Theo các Niên giám Thống kê, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức không lớn lên được, chỉ chiếm 9 - 10% GDP trong hàng chục năm nay. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã phát triển nhanh so với chính mình trong quá khứ sau bao biến động thăng trầm, chứ thực ra còn quá nhỏ nhoi so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân (không tính doanh nghiệp FDI) tại Trung Quốc đóng góp tới khoảng 45% GDP của quốc gia này.
Đó trước hết là hệ thống pháp luật đã trở thành điểm nghẽn ngăn cản, hạn chế quyền tự do kinh doanh, triệt tiêu đổi mới sáng tạo, rất khó tuân thủ, và nhất là tạo ra rủi ro pháp lý, gồm cả rủi ro hình sự hoá… làm thui chột, suy giảm lòng tin kinh doanh; làm cho đa số người đâu tư và doanh nghiệp không muốn lớn.
Một số khác muốn lớn lên, thì tại các thời điểm bước ngoặt, họ không huy động được các nguồn lực như vốn, công nghệ… để tận dụng cơ hội, bứt phá phát triển.
Vì vậy, đã có tổng kết rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam “không muốn lớn” hoặc “không thể lớn lên được”. Nhưng số đã lớn lên được như Vingroup, Sungroup, Thaco Trường Hải, Hoà Phát… là rất ít ỏi và ngoại lệ.
Hoá giải các điểm nghẽn nói trên là không dễ và rất cần thời gian nhưng là điều không thể không làm để Việt Nam phát triển.


Là một nhà nghiên cứu Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu của các quan điểm kinh tế học phương Tây, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh của Trường đại học Fulbright rất băn khoăn vì sao khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức lại chỉ chiếm có 10% GDP?
Ông nhận xét, khu vực doanh nghiệp trong nước không lớn lên được là do bị phân biệt đối xử: “Tôi vẫn hay nói, doanh nghiệp nhà nước là “con đẻ”, doanh nghiệp FDI là “con nuôi”, còn doanh nghiệp tư nhân là “con ghẻ””.
Tiến sĩ Tự Anh đặt ra hàng loạt câu hỏi và cũng tự trả lời: “Năng lực nội sinh của đất nước nằm ở đâu? Hiển nhiên nó nằm ở khu vực doanh nghiệp tư nhân. Thế mà khu vực này cứ dặt dẹo như thế. Đấy là điều tôi lo lắng. Năng lực cốt lõi, giá trị sâu rễ, bền gốc của mình để có niềm tin bền vững của sức sống dân tộc thì đang dặt dẹo. Tôi thấy chúng ta đang có điều gì đó vô cùng sai lầm, chúng ta phế bỏ võ công của mình”.

Nói như vậy để thấy, Việt Nam còn có rất nhiều cơ hội cho phát triển. Trọng tâm chính sách của đất nước phải tập trung để thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việt Nam không có cửa nào khác là phải thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân bằng cách nâng tầm quản lý, quản trị trong Kỷ nguyên mới tới đây.
“Vì sao Tổng Bí thư phải chỉ đạo: Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm? Vì lâu nay, họ bị nhiều xiềng xích, họ bị bắt đeo tạ”, ông giải thích.
Bây giờ, Nhà nước phải nâng năng lực quản trị lên, đồng thời giải phóng năng lượng của khu vực tư nhân thì lúc đấy cánh cửa độc lập, tự chủ sẽ mở ra cho đất nước.
“Chúng ta phải thực sự cải cách môi trường kinh doanh, coi đột phá về thể chế là đột phá của đột phá”, Tiến sỹ Tự Anh nói.


Trong bài viết “PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN – ĐÒN BẨY CHO MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước”.
Ông đang chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị một nghị quyết về kinh tế tư nhân mang tính đột phá để mở đường cho khu vực này phát triển vượt bậc trong “kỷ nguyên mới”. Tinh thần của Nghị quyết này phải so sánh được với Khoán 10.
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng quán triệt tinh thần này. Ông chỉ đạo tại phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIV: “Lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là yếu tố quyết định cho tăng trưởng 8%.

Có thể khẳng định, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội như trên về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy một bước ngoặt trong tư duy, nhận thức của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế này.
Xuyên suốt lịch sử, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua nhiều thăng trầm, từ chỗ bị cải tạo, không được phép tồn tại đến lúc được công nhận và giờ đây được khẳng định là động lực quan trọng nhất.


Ông Nguyễn Đình Cung vẫn mang trong mình sự nồng nhiệt phải thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nhất là sau những phát biểu đầy hào hứng của các nhà lãnh đạo.
Theo báo cáo không chính thức, hiện nay khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 50% GDP (trong đó khối doanh nghiệp đóng góp khoảng 28% GDP, khối hộ kinh doanh các thể phi nông nghiệp đóng góp khoảng 12% GDP và hộ sản xuất nông nghiệp khoảng 10% GDP); 56% tổng đâu tư xã hội; 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu; tạo hơn 82% công ăn việc làm xã hội.
“Kinh tế tư nhân đang chiếm hơn ½ nền kinh tế nước ta hiện nay, xứng đáng là động lực quan trọng nhất trong nền kinh tế”, ông nói.

Tuy vậy, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đủ điều kiện để thực hiện quyền tự do kinh doanh theo cơ chế thị trường và chưa thực sự được an toàn trong kinh doanh theo tinh thần “doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà luật không cấm”.
Trước thực tế đó, nhà nghiên cứu Hải Lộc nói, để thực thi đúng quy định của Hiến pháp, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên chỉ cần kiểm tra ai vi phạm Hiến pháp thì xử lý người đó và xóa luôn các quy định vi hiến do người đó ban hành, thay vì lập đoàn đi đến tận nơi để kiểm tra, thương thảo với người vi phạm Hiến pháp để họ cắt giảm “giấy phép con”.
Từ nay, bất kể tổ chức hay cá nhân nào có hành động gây cản trở người dân “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” phải được xem là hành vi vi phạm Hiến pháp và tất nhiên phải bị xử lý theo pháp luật.
Ông nói: “Phải đặt vấn đề rõ ràng như vậy thì mới có thể hạn chế và tiến tới xóa bỏ sự tùy tiện, thích gì làm nấy trong quản trị quốc gia - điều vẫn còn tồn tại ở một số cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương”.
Mời quý vị đón đọc Bài 3: BÌNH ĐẲNG – YẾU TỐ QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ KINH TẾ TƯ NHÂN PHÁT TRIỂN của tác giả Hoàng Tư Giang.
Bài viết: Hoàng Tư Giang
Biên tập: Minh Hoàn
Ảnh: Văn Tuyến
Thiết kế: Thanh Nga - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội