



Lời tòa soạn: Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng. Quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm trong các phát biểu và bài viết gần đây về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra nguồn cảm hứng cho giới doanh nhân, các nhà nghiên cứu kinh tế cùng các tầng lớp nhân dân.
Bởi trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, từ chỗ “hạn chế phát triển”, “khuyến khích phát triển” và đến nay trở thành “động lực quan trọng nhất”. Điều đó cho thấy cần có cuộc cách mạng trong nhận thức về kinh tế tư nhân để khu vực này trở thành lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới đưa đất nước cất cánh, đúng như chỉ đạo có tính chất mở đường của người đứng đầu Đảng: “Phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân”.
Đài Hà Nội trân trọng giới thiệu tuyến bài “Cuộc cách mạng trong nhận thức về kinh tế tư nhân” của tác giả Hoàng Tư Giang, một nhà báo chuyên nghiệp với nhiều năm theo dõi lĩnh vực kinh tế. Loạt bài được phát sóng trên FM96 và thể hiện dưới hình thức emagazine trên HÀNỘI ON



Khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ bị hạn chế phát triển đến nay đã được thừa nhận là lực lượng quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng của đất nước. Nhận thức về khu vực này trên thực tế đã trải qua lộ trình không ít thăng trầm với những “quãng” chần chừ, do dự.

Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính vẫn nhớ cảm giác “phấn khích như điện giật” khi ông đọc được bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Đọc hết bài viết đó, tôi ngồi lặng đi vì nó chạm vào cảm xúc của tôi. Đó là những gì tôi trăn trở, là những gì cần thiết để đất nước cất cánh”, ông Chính nhớ lại.
Là một doanh nhân thiên về thực tiễn, ông Chính vẫn giữ trong mình phẩm chất của một nhà khoa học. Ông dẫn luôn ra những ý tưởng rất đáng nhớ trong bài viết: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”.
Ông nói một cách đầy hào hứng: “Anh thấy không, tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất là một quan điểm phát triển mới, mang tính triết học và tôi vô cùng ủng hộ!”.

Lâu nay chúng ta chỉ nói "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", “phân phối theo nhu cầu”. “Nếu chỉ nói đơn giản như vậy, tôi cần gì phải đi làm, cần gì phải nỗ lực gì nữa”, ông Chính nêu vấn đề.
Tâm trạng “điện giật” cũng diễn ra với Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng khi ông đọc được bài viết trên của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông Tử Quảng tâm đắc nhất câu này: “Khi quan hệ sản xuất không theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất, nó sẽ trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển tiến bộ của toàn bộ phương thức sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước”.
Ông Quảng “nổ” vanh vách những điều ông tâm đắc: “Cách đây mấy chục năm, đất nước cùng thời kỳ đổi mới với Trung Quốc, khi đó mức độ hai nước tương đương nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đây đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thu nhập bình quân đầu người mười mấy nghìn USD”.
Ông Quảng nói: “Khoảng cách lớn như thế này dứt khoát phải là do vấn đề gì đó lớn lao, kiểu như thể chế là nút thắt của nút thắt, chứ không phải là những chuyện nhỏ lẻ được”.

Tâm trạng của hai doanh nhân trên, ở một chừng mực nhất định, có thể đại diện cho nhiều người trong giới kinh doanh ở đất nước này, sau khi các nhà lãnh đạo đặt ra nhiều thay đổi để Việt Nam bước vào Kỷ nguyên vươn mình, trong đó có quan hệ sản xuất và lấy kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển.
Trong trào lưu đó, “Khoán 10” lại được nhắc đến rất nhiều như ngọn đuốc soi đường cho nhiều thay đổi.

Năm 1966, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc, giao ruộng đất cho nông dân do ông thấy mô hình hợp tác xã đã bộc lộ nhiều yếu kém. Mô hình hợp tác xã gây nên tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, Nhà nước phải đi vay bo bo, lúa mì về cho dân ăn.
Tuy nhiên “Khoán hộ” bị tuýt còi vì lúc bấy giờ hợp tác xã là mô hình cơ bản của quan hệ sản xuất mới dựa trên ba trụ cột gồm chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, kế hoạch hóa tập trung và phân phối theo lao động.
Xuất thân trong một gia đình bần nông, ông Kim Ngọc hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân. Sâu sát với đời sống thực tiễn, Bí thư Kim Ngọc sớm nhận ra những bất ổn trong quan hệ sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã - những điểm nghẽn khiến kinh tế nông nghiệp theo mô hình tập trung đang kìm hãm sự phát triển. Ảnh: TTXVN
Khi giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Kim Ngọc đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo, có nhiều chủ trương “đi trước thời gian”. Tiêu biểu là chủ trương “Khoán hộ” với Nghị quyết 68-NQ/TU ngày 10/9/1966 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Ảnh: TTXVN
"Khoán hộ" là một chính sách “tháo gỡ điểm nghẽn”, là một trong những cơ sở để Đảng ta sau này đề ra Chỉ thị 100 (ngày 13/01/1981) và Nghị quyết số 10 (ngày 5/4/1988) đã làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước, đưa Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh: TTXVN
"Khoán 10" ra đời khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước. Ảnh: TTXVN
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa VI) tháng 4/1988 là sự đột phá trong nhận thức của Đảng về chính sách quản lý kinh tế. Đảng đã vượt lên chính mình khi dám từ bỏ những điều cũ kỹ lỗi thời để vươn tới cái mới, cái hợp lý. Ảnh: TTXVN
Phải đến năm 1988, sau những xé rào mang tính thực nghiệm tự phát ở Hải Phòng và một số địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mới chính thức ký “Khoán 10”, giao ruộng đất cho các hộ nông dân lâu dài, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ và khoán trắng cho hộ nông dân phân phối sản phẩm.
Hay nói cách khác, Khoán 10 đã thay đổi toàn bộ quan hệ sản xuất bằng cách xóa bỏ nhanh hệ thống hợp tác xã nông nghiệp.
Nhờ vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập khẩu lương thực sang nước xuất khẩu lương thực. Cuối năm 1987, cả nước có triệu người đói ăn. Chỉ hơn một năm sau, năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lương thực, đứng thứ ba thế giới, sau Thái Lan và Hoa Kỳ.
Từ khi ông Kim Ngọc thử nghiệm Khoán hộ ở Vĩnh Phúc, đến khi Khoán 10 được ban hành là khoảng thời gian 22 năm. Đó là việc sửa sai từ gốc với bao nhiêu thăng trầm,… Nhưng, chính sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Khoán 10 đã giúp thổi bùng lên nhận thức mới về kinh tế tư nhân, nhất là sau Đổi mới.


Đổi mới ở Việt Nam năm 1986 về bản chất là cuộc cách mạng thay đổi tư duy, chuyển đổi từ đơn thành phần sở hữu là Nhà nước sang nền kinh tế đa thành phần sở hữu.
Một mặt, những thành quả của đổi mới, mở ra con đường cho người dân tự do làm ăn, kinh doanh buôn bán, là rất ngọt ngào: tăng trưởng của Việt Nam luôn cao trong top đầu thế giới và hàng chục triệu người đã thoát khỏi đói nghèo chỉ trong vài thập kỷ.
Nhưng mặt khác, việc trao quyền cho dân tự do kinh doanh, sở hữu tư liệu sản xuất cũng là một chặng đường “dò đá qua sông” khá dài.
Văn kiện Đại hội VI năm 1986 viết: “Sử dụng kinh tế tư bản tư nhân (tư sản nhỏ) trong một số ngành, nghề”. Ảnh: TTXVN
Văn kiện Đại hội VII năm 1991 là một bước đột phá khi khẳng định: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”. Ảnh: TTXVN
Văn kiện Đại hội VIII năm 1996 viết: “Kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước”. Ảnh: TTXVN
Văn kiện Đại hội IX năm 2001 cho rằng: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm”. Ảnh: TTXVN
Văn kiện Đại hội X năm 2006 nhấn mạnh: “Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”. Ảnh: TTXVN
Văn kiện Đại hội XI năm 2011 nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Ảnh: TTXVN
Các văn kiện Đại hội XII năm 2016 và Đại hội XIII năm 2021 tiếp tục nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Ảnh: TTXVN
Văn kiện Đại hội VI năm 1986 còn thăm dò: “Sử dụng kinh tế tư bản tư nhân (tư sản nhỏ) trong một số ngành, nghề”. Nhưng đến Văn kiện Đại hội VII năm 1991 là một bước đột phá ngoài sức tưởng tượng: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”.
Theo nhà nghiên cứu Hải Lộc, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII là đã đưa ra nhiều nội dung rất quan trọng, cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân, về đa dạng hình thức sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.
Ông nói: “Nghị quyết của đại hội VII là bước đột phá về tư duy, sửa sai từ gốc rễ trong lĩnh vực kinh tế”. Tinh thần nêu trên của Nghị quyết đại hội VII đã giúp giải phóng khỏi quan điểm “xóa bỏ chế độ tư hữu” kéo dài nhiều năm trước đó.
Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Hải Lộc, điều đáng tiếc là tinh thần đó không được triển khai nhanh và rồi, trên thực tế, còn thụt lùi trong các kỳ đại hội sau đó.

Tôi nhớ rằng cả ba Đại hội XI, XIII và XIII đều xác định ba khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Khâu “đột phá của đột phá” chính là cán bộ, chính là nguồn nhân lực. Cho nên Đại hội XIII mới xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” là vậy đấy. Ở đây đã nói đến cán bộ thì lại đi theo ty tỷ công đoạn khác nhau như: lựa chọn, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch, sử dụng thế nào… Cho nên đây quả là vấn đề vô cùng lớn. Nói như vậy để chúng ta từng bước tiếp cận, xử lý dần dần. Nhưng rõ ràng cùng với kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn phải đi liền công tác cán bộ. Công tác tổ chức phải đi liền công tác cán bộ và không những thế còn phải đi liền nhiều giải pháp khác nữa. Nói như thế để thấy giải quyết bài toán lớn như thế này rõ ràng là khó.
Văn kiện Đại hội VIII năm 1996 viết: “Kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước”.
Văn kiện Đại hội IX năm 2001 cho rằng: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm”.
Văn kiện Đại hội X năm 2006 nhấn mạnh: “Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”.
Văn kiện Đại hội XI năm 2011 nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.
Các văn kiện Đại hội XII năm 2016 và Đại hội XIII năm 2021 tiếp tục nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Các quan điểm về kinh tế tư nhân trong một lộ trình như trên cho thấy sự chần chừ, do dự trong tư duy phát triển, đặc biệt trong tương quan với vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước,...


Chỉ 15 năm trước, khi Đại hội X năm 2011 được tổ chức, dự thảo báo cáo chính trị còn ghi nền kinh tế phải “dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất”. Khi lấy ý kiến ở tổ, quan điểm này thậm chí được ủng hộ với tỉ lệ 55,06%.
Ra Đại hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã có bài phát biểu “vo”. Ông nói: “Có đồng chí nói, dự thảo đưa vào câu "công hữu tư liệu sản xuất" là dựa trên lý luận Mác - Lênin. Nhưng Mác - Lênin dạy ta một điều, lý luận phải được thực tiễn kiểm chứng. Vậy, lý luận được kiểm chứng chưa, biện chứng từ đâu? Đông Âu, Liên Xô áp dụng mô hình đó, đã thất bại”.
Còn việc nói "dựa trên quan hệ sản xuất tiên tiến" là tổng kết từ 20 năm đổi mới, một bài học rất Việt Nam, một thực tiễn rất Việt Nam và đã thành công.

“Đại hội VI đã quyết định thay chế độ công hữu bằng chế độ đa sở hữu. Vậy sao bây giờ cứ đòi bỏ đi. Bỏ đi, tác hại đến đâu?”, ông đặt câu hỏi và giải thích rằng, Đảng vẫn xác định quan hệ đa sở hữu, có công, có tư. Vậy bây giờ chỉ nói "công hữu tư liệu sản xuất" thì ai yên tâm đầu tư cho chúng ta?
“Nếu chúng ta vẫn công hữu, ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng? Chúng ta động viên họ đầu tư để làm gì? Để rồi, sau khi thời kỳ qua độ, chúng ta quan niệm “nuôi vỗ béo rồi thịt” thì ai dám làm, ai dám đầu tư. Tôi rất mong các đồng chí thảo luận, làm rõ”, ông nói.
Rất may, nhờ những phát biểu chân thành, xây dựng đó, ông Phúc đã thuyết phục được Đại hội bỏ đi quan điểm đó.

Năm 2013, Hiến pháp mới với nhiều tinh thần cải cách về quyền tự do kinh doanh được thông qua: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”; “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Trong bài viết "PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN – ĐÒN BẨY CHO MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh các quan điểm:
Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước.
Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế.
Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp lớn trong GDP vào năm 2030 (kỳ vọng ở mức 70% GDP).
Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.
Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách.
Đồng thời, nhất quán quan điểm "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm", xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân, cần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược.
Như vậy, trong quá trình soạn thảo các văn kiện báo cáo chính trị và kinh tế - xã hội cho Đại hội XIV, khu vực kinh tế tư nhân đã được khẳng định là “động lực quan trọng nhất” bởi các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.

Doanh nhân Nguyễn Trung Chính và Nguyễn Tử Quảng luôn theo sát những diễn biến trên. Ông Chính cho rằng, quan hệ sản xuất ngày nay đã khác xa so với trước. “Ngày nay, tư liệu sản xuất của tôi chính là bộ não của tôi và cái máy tính của tôi. Bộ não tôi, tức là tư liệu sản xuất mà tôi sở hữu, đưa ra các ý tưởng và tôi có thể bán với khoản tiền rất cao. Tôi có thể làm giàu trên tri thức của mình”, ông nói.
Điều này khác xa so với trước đây: tư liệu sản xuất và lực lượng sản xuất là khác nhau, người chủ sở hữu tư liệu sản xuất có khuynh hướng bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp công nhân.
“Tri thức của mình là sở hữu thuộc về mình. Hay nói cách khác, tri thức là tài sản của mình, thì tri thức phải được bảo vệ”, ông nói.
Còn ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng, Khoán 10 mới chỉ bó hẹp trong lĩnh vực nông nghiệp. “Tôi cho rằng, để quan hệ sản xuất hiện nay không kìm hãm lực lượng sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác, chúng ta cần một cách tiếp cận khác”.
Những băn khoăn đó và nhiều hơn nữa liệu có được khai thông trong Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân tới đây và hứa hẹn có tinh thần của Khoán 10 năm nào?

Mời quý vị đón đọc Bài 2: NHẬN THỨC LẠI ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG NHẤT CHO PHÁT TRIỂN của tác giả Hoàng Tư Giang.
Bài viết: Hoàng Tư Giang
Biên tập: Minh Hoàn
Ảnh: Văn Tuyến
Thiết kế: Thanh Nga - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường
© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội