Hồn cốt Tết người Việt qua nghìn năm gói trọn trong đôi câu đối: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh".

Theo tháng năm, tùy thời thế mà những thịt mỡ, dưa hành, những câu đối, cây nêu, tràng pháo có thể mai một hoặc đổi thay, nhưng bánh chưng xanh, thì không. Tục lệ và tâm lý người Việt, thiếu bánh chưng xanh không thành Tết. Những dịp hội hè, lễ trọng, từ chốn kinh kỳ đến nơi thôn dã, từ nơi quyền quý đến chốn bình dân, mâm cỗ cúng kiếng thần linh, tổ tiên hay đãi đằng khách xa bạn gần có chiếc bánh chưng xanh, mới nên.

Agriculture, Field

Dân gian có câu đố: Cái gì trong trắng ngoài xanh / Trồng đậu trồng hành rồi thả lợn vô.

Đấy là nói về chiếc bánh chưng xanh…

Một bức tranh nhiều màu sắc, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Màu lạt buộc thì trắng, màu lá gói thì xanh. Giữa lớp gạo nếp trắng như ngọc là đậu xanh cùng thịt với hành hòa phối. Qua bước chưng luộc nhiều giờ liền, dưới sự tác động của lửa và nước, chiếc bánh chưng hiện hình màu sắc từ trong lẫn ngoài tựa bức tranh sơn mài hài hòa trong đa sắc do họa sỹ tài hoa tạo nên!

Như một cuộc biểu dương, tôn vinh tinh hoa nền nông nghiệp nước nhà!

Trong một chiếc bánh mà hội tụ những sản phẩm cốt yếu của nền nông nghiệp, đủ cả, từ trồng trọt đến chăn nuôi, từ rừng đến biển. Thứ lâm sản là cây giang, lá dong từ thiên nhiên hoang dã miền rừng. Hạt gạo, miếng thịt, hạt đậu, củ hành từ nương rẫy, ruộng vườn, chuồng trại nơi đồng bằng châu thổ. Hạt muối mặn mòi từ miền bể.

Thiên nhiên hoang dã bao bọc sản phẩm do con người làm ra. Bóc chiếc bánh ngắm nhìn, có thể đoán định mức sống của gia chủ; suy rộng ra, có thể nhận ra sức vóc của nền kinh tế nước nhà.

Từ xưa, nguyên liệu cho đến thứ vật liệu làm nên bánh chưng xanh được tinh chọn thực sự tinh tế, đạt đến độ tinh hoa. Giữa muôn vàn cây lá dưới tán rừng nhiệt đới, bằng tri thức bản địa, cư dân nền nông nghiệp lúa nước tinh tường chọn lá cây dong để gói bọc nên hình hài chiếc bánh. Lá cây giong rộng bản, lại lành tính, hai mặt màu xanh đậm nhạt khác nhau, tiện cho việc sắp đặt gói ghém và phối màu. Thiếu thứ lá trời cho này bánh chưng không thể nên xanh, mà màu sắc và hương vị của bánh cũng sẽ nhạt nhòa và đơn điệu. Cái thứ triết lý lá lành đùm lá rách, lá rách ít bọc lá rách nhiều, từ đây mà ra chăng?

Cây giang cho sợi lạt dài, mùi thơm dễ chịu, lại dẻo dai. Sợi lạt giang buộc bánh thì bánh bền chắc; sắc trắng của sợi lạt nổi bật trên nền lá dong xanh hiện lên những ô vuông bắt mắt khiến liên tưởng những ô ruộng vuông vức bàn cờ nơi đồng bằng châu thổ.

Khi bóc bánh, sợi lạt dẻo bền được dùng để cắt bánh, đường cắt sắc ngọt, chia chiếc bánh thành những phần đều nhau từ nhân đến vỏ, có cảm giác không làm đau chiếc bánh. Lá giong, lạt giang với bánh chưng kết hợp với nhau như một mối duyên thầm mà nồng mặn khiến người xưa ngân nga: Lạt này gói bánh chưng xanh / Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng.

Food, Ingredient, Suman, Recipe

Từng hạt gạo nếp cho tới miếng thịt, củ hành, hạt muối phối hòa nên cái bánh đều được chọn lựa kỹ càng. Nếp, phải là nếp cái hoa vàng gieo trồng vụ mùa, hương thơm đặc biệt, hạt bóng mẩy mười hạt như mười. Nếp ngâm nước lạnh cả chục tiếng đồng hồ, để ráo nước mới cho muối vào xóc đều. Muối là thứ muối trắng hạt nhỏ, không lẫn tạp chất. Thịt là thứ thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn, 2 phần nạc 1 phần mỡ, tươi tắn, hồng hào, không có mùi hôi. Đậu xanh hạt nhỏ, ruột vàng, loại hết hạt sần hạt hỏng, xay vỡ, ngâm nước, đãi sạch vỏ mới đem đồ chín, đánh tơi rồi nắm từng nắm đều nhau. Đến củ hành, hạt tiêu cũng phải là thứ thiệt, chính phẩm.

Banana leaf, Cooked rice, Food, Ingredient, Recipe

Và cái khâu chưng nấu mới thật kỳ công. Không thể nóng vội, không thể vội vàng thúc ép thời gian, đốt cháy giai đoạn. Cả chục tiếng đồng hồ, biết bao củi lửa, nước nôi, với cả sự kiên trì kiên định cùng với sự tuần tự, lớp lang mới tạo ra thứ bánh tinh hoa kết tinh hội tụ đạt đến biểu tượng.

Food

Cái bánh chưng xanh trong truyền thuyết từ đời Hùng Vương thứ 6, theo thời gian, tùy vào văn hóa vùng miền và điều kiện thực tế mà linh hoạt biến thể biến tấu, từ màu sắc, hình dáng đến nguyên vật liệu bên trong, bên ngoài. Người miền Trung, miền Nam quen gói bánh chưng dài gọi là bánh tét. Người miền núi phía Bắc có bánh tày, bánh gù. Cư dân sắc tộc vùng Tây Bắc, Việt Bắc dùng gạo nếp cẩm gói bánh hoặc lấy hoa lá cây rừng nhuộm nếp gói nên chiếc bánh chưng ngũ sắc hài hòa, tươi tắn. Có vùng lấy thịt gà làm nhân bánh. Có nơi dùng lá chuối thay lá dong. Bộ đội ta ở Trường Sa từng lấy lá bàng vuông thay lá dong. Nơi khó kiếm ống giang thì dùng dây ni lông. Màu sắc sợi lạt đa phần trắng mà cũng có khi nhuộm đỏ.

Phổ biến, bền lâu, đạt đến độ biểu tượng tinh hoa hội tụ phải là chiếc bánh chưng xanh trong trắng ngoài xanh/ trồng đậu trồng hành rồi thả lợn vô.

Trong Trời Đất không có gì quý bằng hạt gạo. Được thần linh mách bảo, Lang Liêu đã làm nên chiếc bánh dâng lên Hùng Vương khiến vua cha hài lòng mà truyền ngôi. Chiếc bánh chưng màu xanh hình vuông gói trọn tinh túy đất trời, tượng trưng cho Đất. Người xưa quan niệm Trời thì tròn, Đất thì vuông. Trời là Cha, Đất là Mẹ.

Các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á có chung văn hóa dùng đũa hoặc chung không có quốc gia nào có bánh chưng xanh như Việt Nam.

Trong trăm ngàn thứ bánh của người Việt, nếu chọn một thứ bánh đại diện, tiêu biểu, mang giá trị khác biệt, quốc hồn quốc túy, chắc chắn đa số người Việt chẳng chút đắn đo mà chọn bánh chưng xanh.

Bánh dành dâng cúng Tổ Tiên, tạ ơn thần linh vào dịp lễ trọng, đặc biệt ngày tết Nguyên đán. Chiếc bánh như một dấu hiệu của tinh thần dân chủ, khi ở trong mâm cỗ của nhà quyền quý với mâm cỗ bậc thường dân nó chẳng có sự chênh lệch, hơn kém.

Cùng với món phở, nem rán, bánh chưng xanh đảm nhận vai trò sứgiả tự tin ra thế giới, kết nối cộng đồng, mở rộng bang giao. Bàn tiệc ngoại giao những dịp quan trọng chẳng thể thiếu bánh chưng xanh. Người Việt bốn bể năm châu tụ họp dịp tết nhất hội hè không quên bánh chưng xanh, nem rán. Chiếc bánh thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, hội tụ, lại mang biểu tượng sẻ chia.

Chiếc bánh chưng xanh phản ánh một phần lịch sử, kinh tế, văn hóa của dân tộc. Chỉ riêng cái cách thức quy trình gói nên chiếc bánh cũng ngầm chứa thông điệp thú vị. Ngày cận Tết Ất Tỵ 2025 này, Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm - bà Ngô Phương Ly - cùng nữ Đại sứ nhiều quốc gia dành nhiều giờ liền gói bánh chưng xanh. Cùng nhau gói chiếc bánh sản vật tinh túy ngàn năm nước Việt, cùng nhau cặn kẽ ngọn nguồn văn hóa mỗi quốc gia, để thêm hiểu biết và tin cậy, để con đường hợp tác và phát triển rộng mở.

Happiness, Smile, Sharing

Chỉ đạo nội dung: Nguyễn Kim Khiêm

Chỉ đạo sản xuất: Nguyễn Trung Sơn

Biên tập: Uông Ngọc Dậu

Thiết kế: Hoàng Minh - Thanh Nga

Kỹ thuật đa phương tiện: Việt Cường

© Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội